Trong “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2020, nông nghiệp đã được xác định là 1 trong 8 ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước, cùng với y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp. Đây là những lĩnh vực được đánh giá có tác động xã hội lớn, liên quan hàng ngày tới người dân, giúp thay đổi nhận thức nhanh nhất và mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí nên cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.
Cụ thể, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nêu rõ, thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm…
Trong Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được giao chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT và các địa phương triển khai hình thành cơ sở dữ liệu quản lý cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, quản lý cơ sở chăn nuôi; cấp, quản lý mã số vùng trồng, hướng tới triển khai thí điểm, từng bước hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và cho người dân.
Kế hoạch cũng nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của Ban chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đó là xây dựng, phê duyệt theo thẩm quyền kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia gồm nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương hình thành Cơ sở dữ liệu quản lý cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, quản lý cơ sở chăn nuôi; cấp, quản lý mã số vùng trồng, tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và cho người dân.
Với nhiệm vụ xây dựng, phê duyệt theo thẩm quyền kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc nông sản, theo thông tin từ Bộ TT&TT, cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, trong năm qua, nhiệm vụ này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hoàn thành.
Cụ thể, hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã được xây dựng, vận hành tại địa chỉ https://checkvn.mard.gov.vn; đã kết nối dữ liệu thông suốt với hệ thống truy xuất nguồn gốc của các địa phương là Hà Nội, Hưng Yên, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Long, Đắc Nông, Cần Thơ. Hệ thống của các địa phương này chủ yếu do các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý.
Bên cạnh đó, hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thônđang được triển khai cho 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và sẵn sàng về mặt kỹ thuật để kết nối với các địa phương khác. Tính đến trung tuần tháng 12/2022, đã có hơn 3.609 doanh nghiệp với Bộ mã truy xuất nguồn gốc của 13.460 sản phẩm nông sản thực phẩm được Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) đưa lên hệ thống CheckVN và cũng được Trung tâm Tin học và Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đồng bộ, đấu nối liên thông lên hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ.
Ngoài ra, đến nay đã có trên 400 doanh nghiệp của 45 tỉnh trên cả nước đã tự nguyện đăng ký tham gia ứng dụng công nghệ CheckVN.