Su-ky-Tin-hoc_Anh.jpg

Điều đáng nói là máy tính điện tử Minsk – 22 mới chỉ chính thức được đưa vào sử dụng từ tháng 9/1968. Ban đầu chỉ là một ca, rồi tăng dần lên 2 và cuối cùng là 3 ca một ngày.

Điều kỳ diệu

GS.TS Nguyễn Lãm là một trong những cán bộ lão thành trong ngành CNTT và là người phụ trách máy tính Minsk-22 cho đến năm 1972. Ông nhới lại: "Sau khi máy tính Minsk-22 được lắp đặt xong tại 39 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, anh Thành (Nguyễn Chí Thành) viết chương trình in ảnh Bác Hồ trên máy in khổ rộng và các đoàn đến tham quan đều được tặng bức ảnh đó. Máy tính vẽ được ảnh Bác Hồ quả là một điều kỳ diệu, khó hình dung nổi đối với nhiều người lúc bấy giờ! Miền Bắc lúc ấy chỉ mới có một máy tính điện tử và nó lại làm được những điều kỳ diệu như vậy, nên rất nhiều cơ quan, các trường học đến tham quan. Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đến. Riêng Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì còn có buổi tiếp xúc với một số cán bộ trong đơn vị. Thủ tướng còn mời cơm thân mật ở Phủ Chủ tịch và chiêu đãi toàn đơn vị một buổi xem kịch ở Nhà hát Lớn".

Nhắc đến việc khai thác Minsk-22 không thể nào quên các nhóm cán bộ nghiên cứu của các Viện, Trường, Bộ, ngành mà tên của họ gắn bó thân thiết với Minsk-22 như Trần Bình, Lại Huy Phương, Nguyễn Tri Niên, Nguyễn Đức Hiếu, Hoàng Kiếm, Nguyễn Bá Hào, Trịnh Văn Thư, Mai Anh, Bùi Khương…

Sau khi mấy nhịp cầu Long Biên bị bom địch đánh sập, một nhóm cán bộ Trường Đại học Xây dựng do anh Trần Bình chủ trì tính toán phương án sửa cầu trên máy Minsk-22 và cầu đã được sửa chữa thành công theo phương án ấy. Nhóm anh Trần Bình, anh Mai Anh, anh Bùi Khương còn giải nhiều bài toán trong xây dựng như thiết kế cầu, đường, nhà cửa, cảng… Nhóm anh Trịnh Văn Thư với bài toán dự báo thời tiết ngắn hạn, giải hệ phương trình khí nhiệt động học đầy đủ bằng phương pháp hệ thức tích phân; giải các bài toán tính toán dự báo thuỷ triều; phân tích đánh giá quan hệ giữa phân bố mưa với các điều kiện hoàn lưu khí quyển; tính hàm phân bố gió bão… Về sau, dự báo thời tiết tiếp tục được xử lý trên máy tính Minsk-32 của quân đội và đạt kết quả ngày càng tốt hơn, được Ban phòng chống bão lũ Trung ương do tướng Phùng Thế Tài làm Trưởng ban quyết định: Thông báo về dự báo bão lũ chỉ phát ra rộng rãi khi đã được xử lý trên máy tính. Một nhóm khác giải bài toán dự báo lũ bằng phương pháp tương quan nhiều chiều; dự báo lũ bằng phương pháp sai phân giải hệ phương trình Saint Venant; lập mô hình dự báo mực nước trong trường hợp có bão…

Cán bộ nghiên cứu ở lĩnh vực này còn nghiên cứu xử lý trên Minsk-22 nhiều vấn đề khác như tính sóng ở vịnh Bắc Bộ, tính toán hải lưu, tính nhiệt độ nước biển… Nhóm của anh Nguyễn Đức Hiếu thì giải bài toán của cục Tình báo, nhưng không ai biết chính xác là bài toán gì, chỉ phỏng đoán chắc là bài toán giải mã nhưng không một ai "dám" tìm hiểu sâu hơn. Đối với nhóm các anh ở Bộ tư lệnh Pháo binh thì Minsk-22 là cứu cánh giúp cho các anh giải quyết nhanh chóng hàng loạt bảng bắn của các loại pháo mà chiến trường đòi hỏi cấp bách. Những tính toán này về sau cũng được hoàn thiện hơn trên máy tính Minsk-32 của quân đội. Bộ tư lệnh Công binh thì có nhóm anh Nguyễn Tiến Cường và anh Nguyễn Văn Oanh ở Viện Thiết kế Công Binh tính toán thiết kế những công trình công binh.

Bộ nhớ 32K và 6000 phép tính/giây

Có một điều thật khó hình dung là một máy tính với tốc độ chỉ 6000 phép tính /giây và bộ nhớ chỉ vẻn vẹn 32K mà lại giải các bài toán quy hoạch! Thâm nhập vào thực tiễn trong nhiều lĩnh vực hoạt động của kinh tế- xã hội lúc bấy giờ, các nhà toán học phân tích, tìm mô hình giải quyết, dẫn đến các bài toán quy hoạch và đã có một số bài toán cụ thể được tính trên Minsk-22 như quy hoạch điện miền Bắc, cân đối than, tính đường ống nước Hà Nội, phân phối các phương tiện vận tải… Những bài toán hình thành trong lĩnh vực này có thể là tuyến tính và cũng có cả những bài toán phi tuyến.Việc đánh giá kết quả tính toán quy hoạch có tác dụng như thế nào cho thực tiễn lúc ấy thì chưa nói, ở đây chỉ muốn nói đến khía cạnh khai thác máy tính để giải quyết vấn đề. Làm được điều này là nhờ có một lực lượng làm toán quy hoạch khá mạnh ở nước ta lúc bấy giờ.

Ngành địa chất cũng có nhiều bài toán giải trên máy Minsk-22, chủ yếu là địa vật lý thăm dò. Việc nghiên cứu các mô hình địa vật lý cũng được đặt ra. Máy Minsk-22 được sử dụng để hiệu chỉnh, giải thích các số liệu địa vật lý như trọng lực, địa chấn, từ; giải các bài toán thuận với điều kiện vật lý địa chất cho trước cụ thể ở nước ta; nghiên cứu việc tự động hoá phân tích số liệu gồm nhiều khâu từ phân tích quặng đến ước lượng trữ lượng. Lúc đó đã thí nghiệm thành công việc dùng Minsk-22 để phân tích định lượng các mẫu quặng.

Các trường đại học, đặc biệt là ĐH Bách Khoa và ĐH Tổng hợp thường xuyên gửi sinh viên đến thực tập. Khoa Máy tính của ĐH Bách Khoa ngày càng thu hút nhiều sinh viên. ĐH Tổng hợp thì phát triển nhanh ngành phương pháp tính. Cán bộ khoa học của Phòng hầu hết đều tham gia giảng dạy và hướng dẫn sinh viên làm tốt nghiệp ở các trường đại học.

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 100 ra ngày 20/10/2008