- “Chửi mắng, độc đoán, xem thường bệnh nhân là thói quen cố hữu của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng tại các cơ sở y tế”, “Cần phải thay đổi”, “Công khai đường dây nóng về y tế”… là các ý kiến nhận định của độc giả VietNamNet về thực trạng khám chữa bệnh hiện nay.
Suýt nát nhà vì bị “phán” bệnh giang mai dương tính
Đa số độc giả tỏ ra đồng tình với 2 bài viết trên VietNamNet: “Bị tuyến giáp bác sĩ bảo…cởi áo siêu âm ngực” và “Đau cột sống bác sĩ khuyên đi khám bệnh nhiệt đới”; ngoài ra họ còn chia sẻ những câu chuyện “dở khóc, dở cười” khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Độc giả Lê Thị Hoa cho biết, mỗi lần tới bệnh viện chị chứng kiến khá nhiều tình trạng nhầm lẫn trong khám, chữa bệnh. Chị đi khám bệnh thấy bác sĩ đang khám bệnh cho người này rồi lại bán thuốc bệnh cho người khác nên rất dễ nhầm lẫn.
Nhân viên y tế không chỉ giỏi mà cần có tâm. |
Độc giả tên Lê Văn Viện kể: “Tôi bị bác sĩ trả nhầm phim khi chụp cộng hưởng từ cho người thân. May sao tôi mở phim ra xem và thấy tên bênh nhân ghi trong phim không phải tên người nhà. Song việc đổi lại phim đâu dễ vì phòng trả phim của bệnh viện luôn đóng cửa, chốt trong, không cho ai vào nên phải chờ mất cả buổi sáng. Do còn các thủ tục lằng nhằng khiến tôi mất thêm cả ngày hôm sau. Rất khổ cho dân nếu ở vùng quê, vùng sâu, vùng xa lên thành phố khám bệnh!”.
Một độc giả có nick name Cuội Già đã chia sẻ về câu chuyện của mình.
Con của độc giả này khi 1 tuổi được phát hiện bị dị ứng với chất sulfamid (có thể gây tử vong). Khi bé 2 tuổi phải đi bệnh viện khám. Biết con có tiền sử dị ứng chất sufamid nên gia đình cẩn thận nhắc cả bác sĩ lẫn các cô điều dưỡng.
Tuy nhiên, khi mua thuốc về nhà, lấy kính lúp soi chữ trên một lọ thuốc dịch trắng sệt, gia đình thấy có chữ sulfa.
“Buồn bực vô hạn, tôi dầm mưa mang lọ thuốc lên gặp bác sĩ. Vị bác sĩ lúc đó xin lỗi, cho đổi thuốc. Từ đó gia đình tôi mỗi lần đi khám đều xem kỹ lại toa thuốc nhất là thuốc mới chưa dùng, cẩn thận từ thời gian uống cho tới các tương tác và tác dụng phụ của thuốc…”, vị độc giả bức bối.
Độc giả Nguyễn Hồng Hạnh cũng suýt “tan cửa nát nhà” vì bác sĩ chẩn đoán nhầm: “Hồi mình mang bầu đứa thứ 2 cũng bị họ xét nghiệm máu nhầm, tự dưng bảo mình giang mai dương tính...Nếu không vững tin vào chồng thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Thật không thể chấp nhận được”.
Xử lý triệt để sai phạm và công khai thông tin
Nhiều độc giả cho rằng không thể đổ lỗi cho quá tải, ngành y cần chấn chỉnh để lấy lại lòng tin từ người dân.
Độc giả Nguyễn Hồng nói: “Chửi mắng, độc đoán, xem thường bệnh nhân là thói quen cố hữu của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng tại các cơ sở y tế. Họ quên cả y đức và lời thề trước ông tổ ngành y. Thiết nghĩ Bộ y tế và dư luận xã hội cần lên án hành động trên và nên có một phương thuốc hữu hiệu để đặc trị bệnh này”.
Độc giả Hoàng Thịnh bức xúc: “Hai chữ "Y ĐỨC" thời này thật khó tìm. Không phủ nhận vẫn còn rất nhiều bác sỹ đáng kính, ân cần; nhưng nếu khám dịch vụ thì thái độ của nhân viên y tế khác hẳn so với bình thường. Tôi nghĩ, chẳng sợ gì mà không mắng cho những kẻ làm ăn không có lương tâm một trận nhớ đời !”.
Bên cạnh các phản ứng gay gắt về quy trình, thái độ trong khám, chữa bệnh, độc giả Hoàng Minh chua xót nói: “Tôi thấy chỉ người nghèo mới đi khám bệnh viện công thôi. Những người giàu có, khá giả khi bị bệnh họ bay ra nước ngoài để được phục vụ, chăm sóc tốt hơn. Với thực trạng như hiện nay, ngành y không kịp thời thay đổi sẽ khiến nước ta bị “chảy máu” dòng tiền. Nếu là tôi, có tiền tôi cũng ra nước ngoài chữa bệnh cho an tâm, ở nhà vừa mất tiền, bệnh chưa khỏi mà vớ vẩn còn bị…chửi”.
Độc giả Bình Dương đề xuất: “Ngành y tế, từ Trung ương tới địa phương cần công khai số điện thoại đường dây nóng để người dân có ý kiến phản ảnh. Quan trọng hơn phải cho kiểm tra, xử lý triệt để, công khai trả lời trên công luận”.
• Bảo An