Xây dựng thương hiệu tập thể “thịt Bò vàng A Lưới”

A Lưới là huyện vùng cao thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đây là địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc Kinh, Pa Kô, Tà Ôi, Cơ Tu… nơi đời sống kinh tế chủ yếu dựa phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi bò đã giúp người dân trên địa bàn huyện có nguồn thu nhập ổn định

Thời gian qua, các cửa hàng đặc sản A Lưới được hình thành, góp phần quảng bá cho nông sản nơi đây. Thịt bò là một trong những đặc sản của địa phương được người tiêu dùng ưa chuộng với các sản phẩm đa dạng như bò khô, bò một nắng…

Tuy nhiên, lâu nay sản phẩm bò vàng A Lưới vẫn chưa có một cơ quan chuyên môn nào chứng nhận, gây khó khăn trong nhận diện của người tiêu dùng.

W-anhminhoa.png
Ảnh minh hoạ

Bởi vậy, với việc nhãn hiệu tập thể “Thịt Bò vàng A Lưới” được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ sẽ là điều kiện, cơ hội tốt cho huyện A Lưới giới thiệu, quảng bá "Thịt Bò vàng A Lưới" ra thị trường, thúc đẩy hoạt động chăn nuôi theo quy hoạch, mang lại hiệu quả cao cho các hộ dân chăn nuôi, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới kỳ vọng, đây là cơ hội để tập hợp các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thành một khối thống nhất, có quyền lợi chung, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của huyện A Lưới.

Chú trọng chăn nuôi bò hữu cơ

Huyện A Lưới đã triển khai Đề án phát triển đàn bò giai đoạn 2021- 2025, với mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng vật nuôi, phấn đấu mỗi năm phát triển thêm 300 con.

Để đưa sản phẩm thịt bò A Lưới trở thành sản phẩm đặc trưng trên thị trường, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, từ tháng 7/2022, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế đã chọn hộ chị Hồ Thị Sa và anh Hồ Văn Tôi tại thôn Loah - Ta Vai (xã Đông Sơn, huyện A Lưới) để hỗ trợ chứng nhận mô hình chăn nuôi bò hữu cơ với quy mô 50 con đối với giống bò vàng A Lưới.

Qua khảo sát, điều tra hiện trạng lịch sử, phân tích mẫu đất nước, đồng cỏ của vùng chăn nuôi và trồng trọt, các mối nguy tiềm ẩn từ các khu vực xung quanh, kết quả cho thấy, diện tích 10ha trồng cỏ nuôi bò của hộ chị Hồ Thị Sa không có các nguy cơ ô nhiễm, lịch sử để lại và hiện tại đủ điều kiện đưa vào chăn nuôi bò hữu cơ theo tiêu chuẩn chăn nuôi hữu cơ.

Quá trình tham gia mô hình, hộ chăn nuôi đã được đào tạo và nâng cao nhận thức về chăn nuôi bò thịt hữu cơ. Hướng dẫn khắc phục những điểm chưa phù hợp về cơ sở vật chất, khoanh vùng đệm để phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống tài liệu quản lý chăn nuôi bò thịt hữu cơ phù hợp theo TCVN 11041-2:2017 về nông nghiệp hữu cơ.

Hướng dẫn về lựa chọn vùng sản xuất, chuyển đổi vùng đất trồng trọt làm nguyên liệu thức ăn nuôi bò, tăng tính đa dạng sinh học, tạo hệ sinh thái bền vững, mang lại sản phẩm trồng trọt chất lượng an toàn; hướng dẫn phương pháp chăn nuôi bò thịt hữu cơ, góp phần tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm và uy tín với người tiêu dùng; hướng dẫn áp dụng thực hành hệ thống tài liệu đã xây dựng vào thực tế sản xuất; đảm bảo hộ kinh doanh hiểu rõ cách giám sát, ghi chép hồ sơ và kiểm tra chất lượng nội bộ hằng năm... Từ đó, chủ hộ đã nắm rõ phương pháp giám sát, tổ chức quản lý nội bộ. Các thành viên tuân thủ các yêu cầu nông nghiệp hữu cơ, khắc phục trong trường hợp phát hiện sản phẩm mất an toàn thực phẩm; nắm bắt được kỹ năng ghi chép nhật ký sản xuất; gửi mẫu đất, nước, thức ăn, nước thải đến đơn vị kiểm nghiệm để phân tích các chỉ tiêu vi sinh, hoá lý đất, nguồn cỏ làm thức ăn nuôi bò đáp ứng theo quy định. Hệ thống chuồng nuôi nhốt khi thời tiết bất khả kháng và vỗ béo có tổng diện tích 500 m2.

Việc để xuất chứng nhận mô hình chăn nuôi Bò theo hướng hữu cơ có ý nghĩa quan trọng trong tạo lập giá trị kinh tế cho bà con, nâng cao nhãn hiệu tập thể bò vàng A Lưới. Bên cạnh đó, đây cũng là mô hình thí điểm để thúc đẩy, hỗ trợ và phát triển sản xuất chăn nuôi bò theo hướng hữu cơ đối với các hộ quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nhóm PV