Thời gian qua, các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân tại địa phương. Hiện đã có nhiều sản phẩm của khu vực này đã được đưa vào hệ thống phân phối hiện đại.
Theo ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương - Bộ Công Thương cho biết, trong khoảng 10 năm trở lại đây, các quyết định của Chính phủ như Quyết định 1719 về Chương trình phát triển thương mại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình phát triển miền núi vùng sâu vùng xa và hải đảo, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Khuyến công quốc gia, Thương hiệu quốc gia đã hỗ trợ rất nhiều cho các mặt hàng đặc trưng, đặc sản, các mặt hàng có tiềm năng, lợi thế của khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có thể tiếp cận được với hệ thống phân phối hiện đại trên cả nước, các trung tâm kinh tế thương mại cả nước.
Thời gian qua, đã có hàng chục mặt hàng đặc trưng, đặc sản, lợi thế của từng vùng thâm nhập được vào hệ thống phân phối lớn, đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng như mẫu mã, quy cách đóng gói, các yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội cũng như thị trường tiêu dùng tại kênh phân phối hiện đại.
Bên cạnh đó, các kênh phân phối này thực sự đã thúc đẩy phát triển hàng hóa các địa phương. Hiện mỗi tỉnh có hàng chục mặt hàng đặc trưng, đặc sản, có tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững, lâu dài trong hệ thống phân phối của thị trường nội địa.
“Hiện nay, kể cả hệ thống phân phối trong nước, hệ thống của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại các trung tâm kinh tế của cả nước đều phân phối những mặt hàng đặc trưng, đặc sản, những mặt hàng riêng biệt của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” – ông Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh.
Kết quả này đã mang lại giá trị lớn vì được phân phối tại các hệ thống hiện đại thì giá trị sản phẩm, hàng hóa sẽ cao hơn rất nhiều. Từ đó, thúc đẩy phát triển chính các thương nhân của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Các hoạt động của Bộ Công Thương thời gian qua đã thu hút sự vào cuộc, chung tay của các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op; Central Retail, Winmart, MM Market Aeon, BRG… tham gia kết nối tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai thiết thực các Chương trình mục tiêu quốc gia, hoạt động hỗ trợ bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển sản phẩm mang đậm đặc trưng dân tộc trong thời gian tới. Đồng thời, hoàn thiện chính sách; giải quyết các vấn đề về kho bãi, logistics; phát triển kênh thương mại điện tử, triển khai hạ tầng thương mại, nhất là chợ đầu mối; tăng cường truyền thông và quảng bá sản phẩm cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Bộ Công Thương sẽ triển khai các Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng miền núi, dân tộc thiểu số;Chương trình phát triển thương mại vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Chương trình người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam; Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình thương hiệu quốc gia và các Chương trình khuyến công quốc gia... nhằm đạt hiệu quả thiết thực trong thời gian tới.