Bộ Lao động Đức vừa có báo cáo về thực trạng giàu nghèo. Báo cáo gốc cho thấy một bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa của nền kinh tế giàu nhất châu Âu.


Báo cáo gốc bị rò rỉ và nó cho thấy thực tế khó khăn mà nhiều người Đức đang phải đối mặt. Theo đó, có sự thay đổi lớn về giá trị tài sản của các khu vực dân cư. Năm 1998, 50% dân số nghèo nhất của Đức sở hữu 4% tổng tài sản tư nhân nhưng đến năm 2008, giá trị tài sản mà họ nắm giữ chỉ là 1%. Ngược lại, 10% dân số giàu có nhất nước lại sở hữu đến 45% tài sản năm 1998 và năm 2008 tăng lên mức 53%.

Trong khi đó, theo báo cáo thực trạng nghèo đói của văn phòng thống kê Đức, tỷ lệ đói nghèo tại đất nước ngày đã nhích dần: năm 2008, tỷ lệ này là 15,5%, năm 2009 là 15,6% và năm 2010 là 15,8%. Đặc biệt, đối với những người độc thân dưới 65 tuổi, tỷ lệ nghèo lên tới 36,1%. Còn số các ông bố bà mẹ đơn thân nghèo khó chiếm 37,1%.

Munich cũng đã công bố báo cáo tương tự trong đó có đề cập đến chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại thành phố. Theo báo cáo, 1/5 dân cư trong khu vực phải sống trong cảnh đói nghèo. Dữ liệu về nghèo đói đã khuấy động những tranh cãi trên khắp châu Âu. Thậm chí các công ty hàng hóa tiêu dùng cũng đang phải điều chỉnh cho thích hợp với thực tế bằng cách sử dụng các chiến lược thương mại đã thành công tại các quốc gia đang phải triển.


Báo cáo gốc của Bộ lao động Đức khẳng định: “Tài sản tư nhân tại Đức đang phân bổ một cách bất bình đẳng”. Tuy nhiên trong báo cáo chính thức thì không đề cập. Bản gốc chỉ ra rằng, trong hơn chục năm qua, tiền lương của giới giàu có không ngừng gia tăng nhưng mức lương của người nghèo được điều chỉnh theo lạm phát lại giảm. Khoảng cách thu nhập ngày càng rộng.

Tuy nhiên, báo cáo chính thức lại cho rằng: tiền lương thực tế tuy giảm nhưng nó thể hiện sự cải thiện trong cấu trúc thị trường lao động, nhiều việc làm mới với mức thu nhập phải chăng đã được tạo ra cho nhiều người thất nghiệp. Thế nhưng báo cáo gốc lại cho hay, mức lương tính theo giờ lao động của nhiều người độc thân làm việc toàn thời gian không đủ để đảm bảo cuộc sống. Điều này làm gia tăng nguy cơ đói nghèo và sự gắn kết xã hội. Ý kiến này đã bị xóa trong báo cáo chính thức. Thay vào đó họ chỉ nhận định vấn đề lương thấp cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Tuy vậy, theo báo cáo: “năm 2010, có tới hơn 4 triệu lao động Đức phải làm việc với mức lương dưới 7 euro mỗi giờ”.

Ngay sau khi rò rỉ thông tin điều chỉnh nội dung báo cáo gốc, chính phủ Đức đã vấp phải những phản ứng gay gắt. Bà Katja Kipping, người đứng đầu đảng cánh Tả cho rằng, hành động che giấu sự thật của đảng cầm quyền là “xấu xa”. Trong khi đó, bà Andrea Nahles, tổng thư ký đảng Dân chủ xã hội Đức chỉ trích rằng những người che giấu và phớt lờ sự thật thì không thể tạo ra những chính sách đúng đắn. Chính phủ Merkel thay vì đối diện để giải quyết vấn đề thì lại phủ nhận thực tế. Bà cũng cáo buộc liên minh cầm quyền chỉ phục vụ cho một bộ phận giàu có nhất định mà thôi.

HungNinh (Theo BI)