Đức sẽ phạt tiền 2.800 USD với những cặp bố mẹ không tiêm phòng sởi cho con

Tại Đức, những bậc cha mẹ không tiêm phòng vaccine sởi cho con có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 2.500 euro (2.800 USD), theo dự thảo luật của bộ y tế nước này.

"Tôi muốn diệt trừ bệnh sởi", Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nói. "Bất cứ học sinh nào đến trường mẫu giáo hoặc trường học đều nên được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi", ông nói và cho biết thêm rằng phụ huynh sẽ phải đưa ra bằng chứng về việc đã cho con tiêm phòng hoặc có thể bị án phạt và không được cho con đến lớp.

Đề xuất này được đưa ra khi Đức báo cáo một trong những trường hợp mắc sởi cao nhất ở châu Âu trong khoảng thời gian từ tháng 3 năm 2018 đến tháng 2 năm nay, với 651 ca, theo Trung tâm phòng chống dịch bệnh châu Âu (ECDC). Đứng đầu danh sách là Ý, với 2.498 trường hợp được báo cáo.

Đề xuất mới nhất được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh sởi đang trở lại trên toàn cầu - từ các nước thu nhập cao ở Châu Mỹ và Châu Âu đến các nước thu nhập thấp và trung bình ở Châu Á và Châu Phi - một phần do sợ hãi tiêm vaccine, phần vì không được tiếp cận với vắc-xin, và phần nữa vì sự tự mãn của các bậc cha mẹ.

Một nghiên cứu của UNICEF được công bố cho thấy bệnh sởi đã giết chết 110.000 người trên toàn cầu vào năm 2017, chủ yếu là trẻ em, tăng 22% so với năm trước. Báo cáo kết luận rằng nguyên nhân gia twang số ca tử vong là do 20 triệu trẻ em mỗi năm thiếu liều vắc-xin sởi đầu tiên.

Đức không phải là nơi đầu tiên đề xuất tiền phạt khi trẻ em chưa được tiêm chủng. Tháng trước, thành phố New York tuyên bố những người sống trong các khu phố nơi có dịch bệnh đang diễn ra và chưa được tiêm phòng hoặc không có bằng chứng miễn dịch, có thể bị phạt 1.000 đô la.

Trẻ em cần hai liều vắc-xin phòng tránh bệnh sởi. Trong khi 97% trẻ em Đức dùng liều đầu tiên, con số này giảm xuống còn 93% cho liều thứ hai, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết năm 2017. Các chuyên gia cho biết tỷ lệ tiêm phòng phải đạt ít nhất 95% để cộng đồng miễn dịch với căn bệnh này.

Trong số các quốc gia có thu nhập cao, Mỹ đứng đầu danh sách trẻ em không được tiêm vắc-xin sởi liều đầu tiên, theo WHO, số trường hợp mắc sởi lên mức cao nhất kể từ khi căn bệnh này được tuyên bố loại bỏ vào năm 2000.

Các chuyên gia đổ lỗi cho sự gia tăng thông tin sai lệch về virus và vắc-xin đã khiến một số cha mẹ từ chối tiêm vắc-xin cho con của họ.

Theo CNN, đề xuất của Spahn được đưa ra chỉ vài ngày sau khi thư ký sức khỏe của Vương quốc Anh, Matt Hancock, nói rằng các nhà vận động chống vắc-xin rất "đáng trách về mặt đạo đức, vô trách nhiệm".