-Trước vấn nạn ô nhiễm làng nghề và bất hợp lý của việc các công trình xử lý ô nhiễm xây xong để đó vì thiếu tiền và người để vận hành, Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến thốt lên: "Trong ba yếu tố con người, tiền bạc, quản lý thì yếu kém nhất là khâu quản lý".

"Quản lý ở xã nên tầm nhìn hạn chế"

Trong cuộc làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch UBND phường Đình Bảng (TP Bắc Ninh) Nguyễn Thạc Vinh liên tục "rút kinh nghiệm" vì hạn chế bởi tầm nhìn ngắn hạn của một lãnh đạo cấp xã nên khi các DN đầu tiên manh nha xin đất, ông đều "phóng tay" cấp.

Chủ tịch UBND phường Đình Bảng (TP Bắc Ninh) Nguyễn Thạc Vinh (phải): Khó xử lý vì tình làng nghĩa xóm. Ảnh: Lê Nhung
Những năm 2000 do chưa có cụm công nghiệp cấp xã nào ra đời nên hai cụm công nghiệp đầu tiên tại Đình Bảng làm xong rồi, bắt đầu vận hành mới nảy sinh bất cập.

Ông Vinh dẫn chứng, cụm công nghiệp Mả Ông bình quân một ngày chất thải rắn thải ra ngoài khoảng 20m3 song lúc quy hoạch lại không dành sẵn đất làm bãi thu gom. DN đổ bừa ra lòng đường, vỉa hè.

"Mình làm quản lý ở xã, tầm nhìn hạn chế, không có chuyên môn nên không hiểu được khi đã làm cụm công nghiệp thì bãi thải, đường sá ra sao... Mà khi xin giấy phép đầu tư ai cũng nói rất hay, cam kết bảo vệ môi trường. Nhưng không làm. Ở phường, xã thì chúng tôi khó xử lý vì vướng tình làng nghĩa xóm", ông bộc bạch.

Biện pháp cưỡng chế hữu hiệu nhất mà ông Vinh chia sẻ là... cắt điện. Bởi nếu chỉ phạt dăm ba triệu thì hầu như DN nào cũng sẵn sàng nộp rồi tái phạm.

Cắt điện cũng là cách mà lãnh đạo xã Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) có thể áp dụng với DN gây ô nhiễm môi trường.

Chạy theo lợi ích

Cùng với tốc độ phát triển kinh tế, số tiền mà Bắc Ninh chi để xử lý các vấn đề đô thị, ô nhiễm môi trường cũng tăng đáng kể (từ 54 tỷ đồng năm 2009 lên 88 tỷ năm 2011).

Đoàn giám sát của Thường vụ Quốc hội tại một cơ sở sản xuất giấy ở làng nghề Phong Khê (Bắc Ninh). Ảnh: Lê Nhung
Tỉnh đã lập quy hoạch 53 cụm công nghiệp, đã có 29 cụm hoạt động. Phó GĐ Sở Tài nguyên - Môi trường Trịnh Văn Phường cho hay, tỉnh sớm thành lập Trung tâm quan trắc và chỉ đạo triển khai các dự án đầu tư xử lý môi trường tại nguồn gây ô nhiễm...
Nhưng tất cả đang là "muối bỏ bể". Chẳng hạn, trong 200 cơ sở sản xuất tại làng nghề giấy Phong Khê chỉ có 3 - 4 cơ sở có biện pháp xử lý môi trường sơ bộ.

600 DN tại các làng nghề không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường; hầu hết cơ sở làng nghề không nộp phí bảo vệ môi trường. Ai nấy đều chạy theo lợi ích cá nhân.

Câu hỏi đặt ra là số tiền nhà nước đầu tư cho môi trường không nhỏ, thậm chí các dự án quốc tế còn thiết kế sẵn hệ thống xử lý môi trường, nhưng bỏ hoang không vận hành, hoặc chỉ vận hành đối phó mỗi khi có đoàn kiểm tra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Bùi Vinh Kiên ví von, cả làng nghề như một công trường xây dựng, không dễ đóng cửa ngay trong một sớm một chiều khi chưa có phương án chuyển đổi nghề nghiệp.

Giải pháp quy hoạch tập trung xem ra hữu hiệu hơn cả. Song ông Trịnh Văn Phường nhẩm tính, riêng tiền đất đã ngót nghét 3 tỷ, dây chuyền sản xuất sơ sơ 4 tỷ, quá tải với các hộ làm hàng thủ công nên chẳng mấy ai mặn mà, chưa kể người dân đã chấp nhận sống chung với ô nhiễm.

Ngay trong các cụm công nghiệp, việc đầu tư hạ tầng vẫn chưa tốt, mới chỉ có phân nửa cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải hoạt động khá.

Ông Phường đề xuất Nhà nước nên có chính sách  hỗ trợ giải quyết môi trường đặc thù làng nghề, nhất là với làng nghề truyền thống, đặc  biệt cần áp dụng biện pháp cưỡng chế mạnh với cơ sở vi phạm...

Với Hà Nội, việc quy hoạch cụm làng nghề xem ra còn gian nan do vướng quy hoạch chung (chưa được Thủ tướng phê duyệt - PV).

Tại buổi làm việc sáng 4/3 với đoàn giám sát, một vị Phó Chủ tịch Sở TN&MT thành phố chia sẻ, "nhiều người chung thắc mắc là tại sao thành phố đã chỉ đạo xử lý quyết liệt mà tình hình chưa chuyển biến? Là do thiếu cán bộ chuyên môn, còn dưới thôn xã có chuyện nể nang giữa bà con lối xóm".

Hà Tây trước khi hợp nhất đã được tỉnh đầu tư trạm xử lý nước thải cho ba làng ô nhiễm ở Hoài Đức nhưng trạm không vận hành, hệ thống mương, cống bị chất thải đóng cứng trên bề mặt.

Tới đây, Hà Nội sẽ phải tiếp tục quy  hoạch các cụm công nghiệp theo nhiều phương án khác nhau, để di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.

Xem lại chất lượng tăng trưởng

Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ và môi trường QH Nghiêm Vũ Khải cho rằng câu chuyện ở Bắc Ninh là minh chứng sinh động cho việc các tỉnh càng phát triển kinh tế lại càng ô nhiễm nặng nề.

Phó trưởng đoàn giám sát, ông Nghiêm Vũ Khải đặt nhiều câu hỏi về chi đầu tư cho môi trường. Ảnh: Lê Nhung
Thành viên khác trong đoàn, ông Nguyễn Đăng Vang cảnh báo, năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP của Bắc Ninh lên đến 17,86% nhưng với chi phí bỏ ra khắc phục vấn nạn môi trường, có lẽ Bắc Ninh nên đánh giá lại chất lượng tăng trưởng.

"Không nên chỉ bỏ tiền ra xử lý ô nhiễm vì không hiệu quả. Cần phải đánh giá yếu kém từ khâu quy hoạch và quản lý. Nên rà soát lại toàn bộ làng nghề, những cơ sở, ngành hàng nào gây ô nhiễm nặng, không đủ tiêu chí làng nghề thì nên loại bỏ", ông Vang đề xuất.

Theo ông Vang, phải thấm thía bài học, một vị lãnh đạo cấp xã như Chủ tịch phường Đình Bảng đã phải thừa nhận tầm nhìn ngắn hạn không vượt qua 10 năm. Nên chăng lãnh đạo cấp tỉnh, Trung ương phải có tầm nhìn 20 - 50 năm.

Lê Nhung