- Nhiều nhà giáo chia sẻ với những trăn trở của độc giả Đặng Hương rằng nghề giáo thời nay nhiều áp lực. Thương trò, có người chấp nhận dùng đòn roi, nhiều người không dám vì sợ kỉ luật, phụ huynh đe dọa.
Bài viết của độc giả Đặng Hương nhận được hàng trăm ý kiến bình luận. Nhiều trong số đó là những người đã/đang trực tiếp đứng lớp.
Dạy trò làm sao tránh khỏi đòi roi
“Tôi từng là giáo viên đứng lớp và chủ nhiệm. Mỗi lần họp, tôi thường nói các phụ huynh hãy thông cảm cho chúng tôi. Nếu chúng tôi có nóng giận mà cho các em vài cái bạt tai hay phạt vài buổi lao động khi các em không thực hiện nội quy nhà trường và có thái độ không tôn trọng thầy, cô.
Ở nhà các vị chỉ có 1-2 đứa con còn có lúc bực mình thì chúng tôi thì phải quản lý đến mấy chục HS nên việc trách phạt là không tránh khỏi”- độc giả Linh Lan tâm sự
Giáo viên hiện nay chịu nhiều áp lực từ phụ huynh và xã hội (Ảnh minh họa, Ảnh: Văn Chung) |
Cùng chung tâm sự, độc giả Vương Hiệp chia sẻ: “Tôi là một giảng viên đại học, tôi vẫn bắt sinh viên của mình đứng cuối lớp nghe giảng, không đuổi ra ngoài, nếu vẫn mất trật tự sau khi giáo viên đã để ý đến.
Hay bài tập giao về nhà mà sinh viên không tìm hiểu, thì cũng phải đứng nghe bạn trả lời để trả lời lại bằng được thì mới cho ngồi xuống... thiết nghĩ, giáo viên cần nghiêm khắc và phải có quyền nghiêm khắc, nhưng cũng cần lương tâm và trách nhiệm.
Xã hội đừng để đến khi ... giáo viên phải bức tử (tự tử) vì bị đuổi việc do phạt học sinh dẫn đến phụ huynh kiện phòng giáo dục. đó là chuyện đáng buồn với nền giáo dục hiện nay”.
Độc giả Phan Phan chua xót nêu thực tế: “Tôi đã bị một phụ huynh chửi ngay trong cuộc họp chỉ vì em HS đó chậm tiến bộ, thường không học và làm bài trước khi đến lớp và tôi xếp hạnh kiểm của em là trung bình”.
GV mầm non Nguyễn Thị Hòa bộc bạch các chị lương ít, áp lực thì khổ gấp trăm lần các đồng nghiệp khác khi trẻ chưa có ý thức, nhiều phụ huynh thì bênh con, hại cô giáo. Và rằng: “Bây giờ không còn yêu nghề nữa mà chỉ mong hoàn thành tốt nhiệm vụ thôi”.
“Bây giờ tôi đã là một người làm kinh doanh nhưng 06 năm là một GV môn lịch sử THPT cho tôi thấm thía điều đó.
Tôi dám khẳng định với lương tâm tôi không phải là một giao viên vô trách nhiệm. Bây giờ những em học sinh bị tôi phạt nặng hay bị thước của tôi đánh vào mông là những người nhớ về thầy và thường xuyên liên lạc ghi nhớ công cơn của tôi nhất.Các em nhớ về tôi với tầm lòng biết ơn hơn bất kì một em học sinh ngoan nào tôi đã từng dạy” – độc giả Lê Minh Đức bộc bạch.
Nền giáo dục lạc lối?
“Những người đang làm cha, làm mẹ, các bạn nghĩ sao nếu con bạn vì được nuông chiều mà ngày càng hư hỏng, rồi các bạn lại đổ lỗi cho ngành giáo dục? Tất cả chúng ta đều nên suy nghĩ” – độc giả Linh Lan tâm sự.
Độc giả Võ Tiến Cường trăn trở: “Có thể chính phụ huynh chúng ta là người làm cho con em chúng ta trở nên hư hỏng nhưng họ lại không biết điều đó. Họ cần sự quan tâm của giáo viên đối với con họ hơn các học sinh khác trong lớp nên họ làm nhiều vấn đề để có được điều đó và vô tình tạo cho con họ cái quyền vì cha mẹ có tiền nên muốn làm gì thì làm, xưng hô thế nào thì xưng mà giáo viên không giám làm gì cả!
Thử hỏi một học sinh trong trường vô lễ với giáo viên mà giáo viên phạt đòn roi thì giáo viên đó bị kỷ luật! Vậy nếu ở nhà con cái chúng ta hỗn láo với cha mẹ thì các phụ huynh chúng ta làm gi? Bạn thử trả lời câu hỏi này xem sao? Còn nếu ra đường hỗn láo với người ngoài thì sẽ ra sao? Khi đó, pháp luật có kịp thời để bảo vệ con bạn không?”
Để thay đổi thực trạng, độc giả Phan Phan cho rằng: “Theo tôi, nhà nước quan tâm đến nhà giáo không chỉ ở chính sách cải cách lương mà phải dành cho nhà giáo nhiều quyền, nhất là trong giáo dục HS cá biệt. Tất nhiên khi đã là nhà giáo thì cần nhiều lắm lương tâm và trách nhiệm”
Giáo viên Lê Phú Châu đau đớn khi tâm sự anh dù thương trò nhưng “không dám hi sinh tương lai mình” khi “đánh vài roi vào mông những ông trời con (học sinh lì lợm, khó dạy)”: “Vì Luật không đứng bên tôi, phụ huynh không đứng bên tôi, mà đau khổ nhất là ngành Giáo dục không đứng bên tôi.
Bạn mà đánh một roi vào mông học sinh minh xem, sai- đúng miễn bàn, giáo viên ngay lập tức trở thành ác quỷ. Nghe có vẻ cường điệu nhưng đó là sự thật..... Và một thế hệ đã lạc lối”.
Thay đổi từ đâu?
Dù vậy vẫn có những giáo viên như độc giả Phan Chanh cho rằng giáo viên: "Hãy dạy thật tốt bộ môn của mình để được học sinh thích thú với môn học và phụ huynh tin tưởng mình khi con họ được mình dạy dỗ".
Bức thư của cố tổng thống Mỹ Abraham Lincon gửi thầy giáo của con mình "Xin thầy hãy dạy cho con tôi" như người chỉ lối khiến người giáo viên thấy triết lý của giáo dục là gì. Theo Phan Chanh: “Từ triết lý đó sẽ có con đường để hình thành nhân cách cho học trò, để thầy cô ít phải nổi nóng, bớt đi sự thô bạo và nhân cách học sinh sẽ được tôn trọng hơn”.
Độc giả Huyền Diệu yêu cầu chương trình sư phạm phải chú trọng rèn luyện kỹ năng giáo dục học trò cho sinh viên. “Theo tôi là một kỹ năng rất quan trọng để nắm bắt tâm lý và hướng dẫn học sinh”.
3 nguyên nhân chính dẫn tới việc nhà giáo vô trách nhiệm theo độc giả Văn Anh “cần phải thay đổi gấp” là: Môi trường trường giáo dục là môi trường đầy những đố kỵ và ganh đua, chèn ép nhau, có cả lành mạnh lẫn không lành mạnh. Người GV đâm ra bức xúc nên HS phải gánh hậu quả. Hai là: Bệnh thành tích và hình thức làm người GV không hề có thực quyền. Ba là: Đa phần là người lãnh đạo yếu kém, trong quản lý không nghiêm minh, không có sự công bằng.
Nếu giải quyết được triệt để 3 vấn đề trên, người GV sẽ làm tốt công việc của mình. Và chất lượng giáo dục tất yếu sẽ được nâng cao”.
Phong Đăng (lược thuật)
*******************
Ý kiến của bạn về vấn đề này, xin gửi theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn