Cao Bằng- tỉnh miền núi, biên giới nằm ở vùng Đông Bắc đất nước, có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh, là phên dậu của cả nước và là điểm đến du lịch thân thiện, hấp dẫn. Là tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, Cao Bằng có tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hiện thực hóa mục tiêu và khát vọng phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững, bên cạnh Nghị quyết số 78/2021/NQHĐND, ngày 10/12/2021, của Hội đồng nhân dân tỉnh, “Ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025”, kế hoạch phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2022, là cơ sở để ứng dụng công nghệ số, thực hiện số hóa tại các điểm đến, tạo điều kiện cho du khách dễ dàng tiếp cận cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch...

Với tinh thần đó, tỉnh đang tích cực chuyển dịch mô hình truyền thống sang mô hình hiện đại dựa trên nền tảng số và chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu nhằm giúp cho khách hàng hưởng lợi thông qua việc nâng cao trải nghiệm du lịch theo mô hình mới trên không gian số.

Sự kiện có thể coi là "mở màn" hướng tới hệ sinh thái du lịch ứng dụng công nghệ số diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, Cao Bằng tổ chức Chương trình triển khai ứng dụng Cổng du lịch thông minh tỉnh.

caobang-1.jpg
Chương trình triển khai ứng dụng Cổng du lịch thông minh tỉnh.

Cổng du lịch thông minh với nền tảng dữ liệu trực tuyến, kết nối các giải pháp, các tổ chức, các phương thức sẽ thuận tiện hơn cho du khách. Cổng du lịch thông minh mang lại lợi ích tương hỗ cho cả 3 đối tượng chính trong du lịch là người dân, du khách, cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp tham gia vào ngành du lịch. 

Thực hiện Đề án Chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tại các huyện, Thành phố, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh cũng đang được tiến hành rà soát, phủ sóng mạng 4G, 5G, sóng điện thoại di động và lắp đặt wifi miễn phí để đem lại sự tiện lợi cho du khách. Đơn cử như việc xây dựng hệ thống âm thanh phân tán tại các điểm di tích ngoài trời Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, giới thiệu về nguồn gốc, lịch sử cách mạng dân tộc gắn với từng địa điểm; thực hành thí điểm hoàn thiện lắp đặt, thi công 36 camera giám sát và 5 điểm wifi miễn phí tại Khu du lịch thác Bản Giốc vào thời điểm vận hành thí điểm cho du khách qua lại khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc).

Các nền tảng số phục vụ du lịch, phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ duy trì và nâng cấp Cổng Du lịch thông minh (caobangtourism.vn) được tỉnh nâng cấp; phát triển ứng dụng du lịch thông minh trên smartphone (app Cao Bang Tourism) với các tiện ích tra cứu bản đồ, tìm thông tin chính xác về các địa điểm, lập trình tự động theo nhu cầu, đặt dịch vụ khách sạn, nhà hàng dễ dàng, tiết kiệm thời gian, chi phí cho du khách; giúp các cá nhân, doanh nghiệp mở rộng cơ hội kinh doanh, quảng bá, tạo liên kết chuỗi, phát triển chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch hoàn chỉnh.

Hiện nay, trên Cổng du lịch thông minh có phiên bản ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Trung thiết kế sử dụng đơn giản, dễ dàng tương tác trên máy tính và điện thoại thông minh. Cổng du lịch đưa 7 khu, điểm du lịch nổi bật của tỉnh vào thử nghiệm số hóa VR360 (du lịch ảo hóa và thuyết minh ảo). 

Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng còn xây dựng nhiều trang thông tin điện tử, fanpage phục vụ quảng bá, phát triển du lịch như: dulichcaobang.vn có trên 3.820.000 lượt truy cập (tổng lượt truy cập đến nay trên 9.730.000 lượt), đăng 175 tin, bài quảng bá; caobangtourism.vn có trên 980.000 lượt truy cập (tổng lượt truy cập đến nay trên 2.500.000 lượt), đăng 180 tin, bài quảng bá; trang caobanggeopark.com có trên 1.700.000 lượt truy cập, đăng 60 tin, bài quảng bá; trang Pacbo.vn có trên 200.000 lượt truy cập, đăng 80 tin, bài quảng bá. Các Fanpage: Công viên địa chất Non nước Cao Bằng có khoảng 127.000 lượt truy cập, đăng 40 tin, bài quảng bá; Ban Quản lý các di tích quốc gia đặc biệt tỉnh có khoảng 600.000 lượt truy cập, đăng 115 tin, bài quảng bá; Du lịch Non nước Cao Bằng có trên 478.000 lượt truy cập, đăng 270 tin, bài quảng bá…

Ngành du lịch còn tăng cường ứng dụng công nghệ số trong công tác quảng bá du lịch bằng cách phối hợp thực hiện các chuyên mục: “Du lịch Non nước Cao Bằng”, “Cao Bằng Non nước ngàn năm”, “Cao Bằng tiềm năng và phát triển” trên các ấn phẩm báo chí của tỉnh; khai thác hiệu quả tin, bài tuyên truyền về Công viên địa chất Non nước Cao Bằng trên ấn phẩm báo điện tử giới thiệu về hình ảnh, du lịch Cao Bằng; mở các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, nâng cao chất lượng các tin, bài, tăng cường đăng tải những hình ảnh đẹp về con người, quê hương, non nước Cao Bằng; vận hành thử nghiệm phòng trải nghiệm, trong đó có hoạt động chiếu các phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.

Tạo mã QR cho các tài liệu quảng bá về du lịch Cao Bằng; VNPT Cao Bằng tổ chức không gian trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR giới thiệu, quảng bá về một số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh tại các sự kiện hội nghị, tổng kết của tỉnh; lắp đặt 5 bảng tra cứu thông tin tư liệu về Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng tại các trung tâm thông tin của công viên địa chất.

Với việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, Cao Bằng không chỉ nhắm tới việc cải thiện quy trình hay tạo sự tiện ích cho khách du lịch mà tỉnh hướng tới mô hình triển du lịch xanh, sạch phù hợp với xu thế mới hiện nay. 

Hoà An