Diễn giả văn hoá Hồ Nhựt Quang - Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hoá Nam Bộ vừa có phần báo cáo chuyên đề Văn hoá ứng xử trong giao tiếp tại hội trường Trung tâm Chính trị Thành uỷ Thuận An (Bình Dương). 

Tham dự lớp tập huấn, hơn 150 học viên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc 10 xã phường; Trưởng, phó ban công tác mặt trận các khu phố, ấp; Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng... 

12 sv.jpg
Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang. 

Trong chương trình, ông Hồ Nhựt Quang mang đến nhiều câu chuyện xoay quanh yếu tố văn hóa trong ứng xử, giao tiếp từ xưa đến nay để làm rõ những giá trị văn hóa dân tộc nổi bật.

Với những câu chuyện lấy từ chất liệu cổ tích, dân gian, diễn giả đã đưa ra những thông điệp về nguồn gốc hình thành và phát triển của văn hóa ứng xử trong giao tiếp. Đồng thời, đề cao tinh thần nhân văn trong cuộc sống giữa thời kỳ hội nhập, đa văn hóa và văn hóa cá nhân “lên ngôi”.

“Văn hóa ứng xử không chỉ đơn thuần là một bộ quy tắc hay tập tục mà còn được hiểu là "ngôn ngữ" tinh tế của con người trong giao tiếp. Trong thế giới hiện đại, sự đa dạng văn hóa trở nên nổi trội hơn bao giờ hết nên việc hiểu và tôn trọng văn hóa ứng xử vô cùng quan trọng và cấp thiết”, diễn giả Hồ Nhựt Quang chia sẻ.

batch_dd26c80d64d141751f2c50.jpg
Buổi tọa đàm chuyên đề góp phần nâng cao giá trị văn hóa ứng xử ở mỗi người, đặc biệt là người trẻ.

Ông Quang cho rằng, văn hóa ứng xử không chỉ giúp chúng ta tránh hiểu lầm và phòng ngừa những xung đột không cần thiết có thể xảy ra mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng tính thống nhất, đoàn kết, tạo sức mạnh hiệu quả trong công việc và cuộc sống hàng ngày. 

Ngày nay, với sự hội nhập và toàn cầu hóa, việc tiếp cận sự đa văn hóa ngày càng phát triển, việc thấu hiểu và tôn trọng văn hóa ứng xử trở nên cực kỳ cần thiết.

“Đừng để chúng ta lạc lõng ngay trên chính nền văn hóa của nước mình. Cần lắm phải áp dụng phương pháp tích hợp - thích hợp - phù hợp để xây dựng tính hài hòa, đồng thời không để đánh mất giá trị cốt lõi của bản sắc và truyền thống”, diễn giả Hồ Nhựt Quang nhấn mạnh về ý nghĩa của chương trình.

Hồ Nhựt Quang cũng đặt vấn đề về lợi hại của công nghệ hiện đại, sự kết nối của không gian mạng mang đến không ít hệ lụy, đặc biệt là giới trẻ trong giá trị văn hóa ứng xử thực tế ngày nay.

Sự kết nối liên tục của không gian mạng đã vô tình “ngắt kết nối” của nhiều người trong đời thực, có khi cùng nhau đi ăn, đi cà phê nhưng ai cũng đắm chìm trong không gian riêng của mình trên mạng xã hội. Đây là một thực trạng văn hóa cần thay đổi để gia đình, bạn bè được gắn bó hơn.

Mặt khác, do tác động của công nghệ tạo ra thế giới ảo khiến nhiều người trẻ sa đà, không quản lý được ứng xử, thiếu kiến thức về văn hóa, bản sắc dân tộc...

Việc mỗi người trẻ cần ý thức gìn giữ văn hóa, tránh chạy theo những giá trị ảo là điều quan trọng lúc này. 

batch_dd2702e6ae3a8b9ed5c79a.jpg

Chia sẻ với VietNamNet, Hồ Nhựt Quang cho biết việc vun đắp giá trị văn hóa là sợi chỉ đỏ gắn kết, từ đó tạo ra nội lực để giúp mọi người thành công trong công việc, cuộc sống.

Việc tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm mang tính chuyên đề cũng là cách để khơi gợi sự hiểu biết, lòng tự hào về văn hóa, căn tính gốc gác của dân tộc.

Việc gìn giữ, phát triển văn hóa cần được xác định là trách nhiệm chung của cộng đồng, từ các cơ quan ban ngành đoàn thể nhà nước, đến gia đình, môi trường giáo dục nhà trường...

Ông Hồ Nhựt Quang gợi ý bên cạnh các đại nhạc hội giới thiệu về văn hóa nước ngoài thì cũng nên có những sự kiện truyền tải văn hóa truyền thống, về âm nhạc, thơ ca... góp phần giúp người trẻ hiểu sâu sắc hơn.

"Khi đã hiểu họ mới có thể yêu và quý, từ đó chung tay gìn giữ bản sắc được. Còn nếu cứ bắt ép mà các em không thích, không hứng thú thì cũng rất khó để giữ được sự say mê với văn hóa", ông nhận định.