- Trước khi chúng tôi xuống trường nhập học, bà tôi chỉ nhắc một câu “ra Hà Nội học các con làm sao thì làm, đừng để người Hà Nội mắng mình là dân nhà quê”.
Ngưỡng mộ văn hóa ứng xử của người Nhật
Những bài học rèn nhân cách của người Việt xưa
Tôi kể câu chuyện của mình ra đây để mọi người thấy rằng, không phải tất cả thế hệ trẻ chúng tôi đều “vô giáo dục” và không phải cứ người thành phố thì mới có văn hóa.
Tôi là một người trẻ thuộc thế hệ 9x, và tôi là “người tỉnh lẻ”. Quê tôi ở miền núi, nơi người ta vẫn hay bảo là “khỉ ho cò gáy, chó ăn đá gà ăn sỏi”. Quê tôi nghèo, không có VinCom, không có siêu thị BigC, không có Công Viên Nước, không có Nhà Hát Lớn hoành tráng như Hà Nội. Chỉ có những ngôi nhà nhỏ bên những con đường rải sỏi quanh co.
Ảnh minh họa |
Nhà tôi nghèo, nhưng ngay từ nhỏ đã được bà tôi dạy “đói cho sạch, rách cho thơm”. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, có lần chúng tôi chỉ vặt trộm một quả ổi của nhà hàng xóm thôi là bà tôi bắt xếp hàng, lấy roi mây quất cho đỏ đít. Từ đó chúng tôi chừa. Cuốc bộ đi học xa nhà hàng hơn 5 cây số mỗi ngày, trên đường đi gặp vườn mía vườn bưởi cũng không bao giờ dám động vào.
Bà còn dạy chúng tôi cách ăn uống, đi đứng, chào hỏi. Ăn thì phải ngồi ngay ngắn, gắp thức ăn phải hứng bát không để vương vãi. Ngồi ăn không được chống đũa, ôm bàn, rung chân, không húp nước canh sùm sụp, nhai cơm nhẹ nhàng không phát ra tiếng kêu. Đi thì phải nhấc cao chân không kéo lê dép để phát ra tiếng loẹt xoẹt. Gặp người lớn thì phải chào hỏi lễ phép rõ ràng.
Chuyện chào hỏi, kính trên nhường dưới tôi cũng được bà rèn cho đến nơi đến chốn. Ngay cả cô mua đồng nát vào nhà, bà tôi cũng dạy phải chào và nói năng thưa gửi lễ phép. Bà bảo, nghề nào cũng là nghề, đã là con người thì phải biết quý trọng nhau, không được khinh ai cả. Ai cũng phải chào hỏi, lễ phép.
Chúng tôi lớn lên trong sự dạy dỗ của bà như thế. Lớn lên, khi bắt đầu xa nhà xuống Hà Nội học chuyên nghiệp. Bà tôi không dặn nhiều, chỉ nói đúng một câu: “Ra Hà Nội học các con làm sao thì làm, đừng để người Hà Nội mắng mình là dân nhà quê”.
Ảnh minh họa. |
Chúng tôi biết “ra Hà Nội” là không được vứt rác bừa bãi, không được đái bậy, nói năng biết thưa gửi, đi đường thấy đèn đỏ biết dừng xe, lên xe bus gặp người lớn tuổi biết nhường ghế. Bạn cùng phòng ký túc xá với tôi đều là “dân nhà quê” cả nhưng rất biết nhường nhịn nhau, biết tự giác dọn phòng, khi nghe nhạc thì đeo tai nghe, nói năng nhỏ nhẹ để không làm phiền đến người khác.
Tôi vẫn luôn nhớ lời bà dặn, luôn nhắc nhở bản thân để không trở nên xấu tính.
Độc giả Thương Hoài