- Sự kiện được cho là vô lý có thể chỉ xảy ra ở Việt Nam: Các trường quốc tế được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, nhưng chương trình học lại không được chấp nhận ngay tại Việt Nam? Học sinh học các trường quốc tế không có "cửa" thi vào các trường ĐH tại Việt Nam do bằng cấp không được công nhận?
Ảnh minh họa: HS tốt nghiệp trường THPT quốc tế hoạt động hợp pháp ở Việt Nam được phép thi ĐH, CĐ. (Ảnh: Người lao động.) |
Học trường quốc tế hết "cửa” thi đại học
Báo Tuổi trẻ dẫn thông tin, học sinh Đoàn Anh Quang (sinh năm 1991 ở Hà Nội) tốt nghiệp Trường quốc tế Singapore (SIS) TP.HCM (thuộc Tập đoàn giáo dục quốc tế Kinder World) có nguyện vọng theo học Trường ĐH FPT. Do Trường ĐH FPT không tổ chức thi “ba chung” mà chỉ tổ chức thi sơ tuyển, đồng thời xét trúng tuyển dựa trên kết quả thi qua điểm sàn của thí sinh nên để được xét tuyển vào ĐH này, Quang buộc phải đăng ký thi “nhờ” Trường ĐH Thương mại.
Khi Quang mang hồ sơ đến nộp thì nhà trường từ chối nhận với lý do “bằng cấp Quang có không tương đương bằng tốt nghiệp THPT Việt Nam”.
Theo gợi ý của trường, Quang lên Cục Khảo thí - kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) xin xác nhận thì được trả lời: “Cục chỉ có trách nhiệm xác nhận bằng cấp quốc tế trình độ CĐ, ĐH trở lên, còn THPT đã phân cấp thẩm quyền cho sở”.
Nhưng đến Sở GD-ĐT Hà Nội - sở cũng không chứng nhận bằng cấp cho Quang.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hóa (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Thương mại - xác nhận thí sinh Đoàn Anh Quang đã được dự thi tại trường năm 2011. “Năm ngoái khi tiếp nhận hồ sơ thí sinh, trường cũng đã hỏi ý kiến Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) về trường hợp bằng cấp như vậy có đủ điều kiện thi ĐH không thì chuyên viên của vụ trả lời được. Tuy nhiên khi tiếp nhận và phát thẻ dự thi xong, trường thấy thấp thỏm, chỉ lo... thí sinh đỗ.
Trường đã đặt tình huống nếu Quang đỗ, trường phải gửi văn bản lên bộ yêu cầu xác nhận rõ vì quy trình tuyển sinh có hậu kiểm văn bằng. Thí sinh không có bằng tốt nghiệp THPT lại trúng tuyển sẽ rất rắc rối. Nhưng may mắn em này... không đỗ”.
"Đó là lý do năm nay trường làm “chặt” hơn, yêu cầu có văn bản xác nhận đàng hoàng của bộ rồi mới cân nhắc tiếp nhận hay không" - ông Hóa khẳng định.
"Đừng ép các em phải ra nước ngoài học ĐH..."
Việc không công nhận, không cho học sinh tốt nghiệp trường quốc tế dự thi ĐH đang có nhiều ý kiến cho rằng vô lý.
Dịch giả Phan Hồng Giang (Hà Nội) đưa ra 4 điểm vô lý khi không cho học sinh trường quốc tế tại Việt Nam thi ĐH. Thứ nhất, cơ quan quản lý cho phép trường quốc tế hoạt động ở Việt Nam mà lại không công nhận bằng cấp của họ là vô lý.
Thứ hai, các học sinh Việt Nam có bằng THPT của trường Việt Nam tha hồ được các trường ĐH nước ngoài (Mỹ, Anh, Pháp, Úc...) tiếp nhận. Thậm chí không phải qua kỳ thi đầu vào, chỉ kiểm tra sơ lược, chủ yếu là kiểm tra trình độ tiếng Anh để tiện việc sắp xếp lớp theo trình độ.
Chẳng lẽ nền ĐH của ta có yêu cầu cao hơn nền ĐH các nước đã phát triển? Hay chất lượng bằng trung học của ta cũng cao hơn họ?
Thêm nữa, dù học trường quốc tế, nhưng nếu muốn học tiếp ở Việt Nam thì các em đều phải qua kỳ thi chung, phải có kết quả thi tốt thì mới được vào học, đâu có thoải mái vào trường ĐH như nếu đi du học nước ngoài. Bằng cấp, trình độ tương đương hay không sẽ được xác lập thông qua kỳ thi chung này chứ không phải là từ một quyết định hành chính.
Cuối cùng, tình trạng rầm rộ đi du học góp phần làm "chảy máu ngoại tệ", là việc ảnh hưởng không tốt tới uy tín các trường ĐH Việt Nam mà chúng ta nên hạn chế bằng việc khuyến khích các em thi vào ĐH trong nước.
Vậy thay vì cấm - Bộ GD& ĐT gấp rút cho phép học sinh học các trường quốc tế được phép dự thi ĐH ở Việt Nam như các em học sinh khác. Đừng ép các em trót học trường quốc tế phải chỉ còn lối thoát duy nhất là du học nước ngoài!
Ông Phạm Hữu Hoan - Trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: "khi bộ chưa cho phép thì sở cũng không dám xác nhận tương đương văn bằng. Theo quy chế tuyển sinh, thí sinh dự thi ĐH, CĐ trước hết phải có bằng tốt nghiệp THPT. Các chứng chỉ, bằng cấp nước ngoài hay do các trường quốc tế tại Việt Nam cấp chắc chắn phải có cơ quan xác nhận thì thí sinh mới đủ điều kiện dự thi. Quyền xác nhận này không thuộc sở dù chính phòng giáo dục phổ thông là nơi thẩm định chương trình học của họ." Ông Cao Huy Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Úc (TP.HCM): "Trường dạy theo chương trình THPT và cấp bằng tú tài theo chương trình của Tây Úc, cho biết: “Trước đây có một học sinh của trường có nguyện vọng dự thi ĐH VN. Trường phải dịch hồ sơ sang tiếng Việt và sở GD-ĐT xác nhận, học sinh này mới được đăng ký dự thi”. |
- N.H (tổng hợp)