- "Thanh minh" bằng số liệu rằng Sở đã tiến hành thanh tra khoảng 1,5 vụ/ngày, trung bình 350-400 vụ/năm song trước thực trạng doanh nghiệp tiếp tục xả thải ra môi trường, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM Đào Anh Kiệt cho rằng phần hậu kiểm thanh tra là việc của địa phương.
Phiên chất vấn HĐND TP HCM sáng 8/12 xoay quanh tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp và tiến độ thực hiện các dự án.
Ai lơ là?
Trả lời chất vấn cử tri, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Đào Anh Kiệt cho hay, trong năm qua đã di dời được 35 cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng. Hiện còn hai đơn vị là Xi măng Hà Tiên và Xưởng đóng tàu Ba Son chưa di dời. Theo đề nghị dự kiến của Sở, 95% cơ sở gây ô nhiễm sẽ phải di dời trong năm 2012. Song ông Kiệt cho hay khả năng đến năm 2015 mới hoàn thành việc này.
"Mong bà con thông cảm" - ông nói.
Đại biểu Võ Văn Sen chất vấn hiện nay 100% khu chế xuất, bệnh viện được cho là có hệ thống xử lý nước khải song ông chưa thấy có số liệu nào khẳng định chất lượng hệ thống xử lý nước thải vận hành hiệu quả. Hai đại biểu Trần Xuân Thiều và Nguyễn Văn Tươi cũng tỏ ý nghi ngờ về hiệu quả của công tác thanh, kiểm tra...khi thực tiễn không cho thấy kết quả tốt.
GĐ Sở Tài nguyên - Môi trường: Hậu kiểm là việc của địa phương. Ảnh: T.T |
"Sở thanh tra khoảng 1,5 vụ/ngày, trung bình 350-400 vụ/năm. Chúng tôi đã rất cố gắng, nhất là khi lực lượng thanh tra mỏng, còn việc theo dõi, hậu kiểm thì địa phương phải làm" - ông nói.
Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Thái Văn Rê "gánh" phần chất vấn cho ông Kiệt khi đưa ra lời hứa đầy cứng rắn, đó là trong thời gian tới "nếu doanh nghiệp nào đăng ký kinh doanh mà gây ô nhiễm thì Sở cương quyết không cấp phép".
Trả lời chất vấn về các dự án treo trên địa bàn, ông Đào Anh Kiệt, thừa ủy quyền của UBND TP cho hay quan điểm của Sở và thành phố là các dự án được giao đất, nhưng không triển khai, không có lí do chính đáng sẽ bị thu hồi.
Theo đó, thành phố chủ trương, với các dự án "treo" nhiều năm, sau rà khi rà soát, sẽ đề nghị thu hồi đất; đấu thầu chọn nhà đầu tư mới. Với những nhà đầu tư giải tỏa được 80% trở lên, do phần lỗi của người dân không chịu bàn giao, đòi giá cao, UBND các quận huyện sẽ hỗ trợ giải tỏa, đền bù. Nếu vẫn khó sẽ điều chỉnh quy hoạch lại. Trường hợp chủ đầu tư đền bù 100% nhưng do thiếu vốn không triển khai xây dựng, sẽ nhắc nhở, nhưng nếu không thực hiện sẽ bị đề nghị thu hồi.
Đừng hứa giùm
Trao đổi
bên hành lang sau phiên chất vấn, đại biểu Võ Văn Sen cho rằng vị giám
đốc Sở Tài nguyên - Môi trường còn "lẩn tránh", nhất trong vấn đề này
có trách nhiệm của Sở.
Nếu Sở chỉ "lâu lâu mới xuống kiểm tra một lần"
sẽ không thể biết các khu chế xuất, nhà máy vận hành nghiêm túc hay
không. "Như Vedan đâu phải không có hệ thống xử lý, vấn đề là
họ không dùng, hoặc là dùng một chút thôi… GĐ Sở
chưa trả lời tận gốc".
Ông cũng cho rằng, vấn đề xử lý chỉ nằm trong tầm tay của giám đốc Sở chỉ chừng 20 - 30%, số còn lại nằm ở các cấp chính quyền, từ ủy ban cho đến các quận huyện và người dân, một mình Sở không làm nổi. Nhưng, vấn đề ở chỗ, "có hứa thì nên hứa 30% của mình thôi, còn hứa giùm thì không được".