Thất vọng về việc trì hoãn TT02, các nhà đầu tư và tư vấn đã khuyến nghị các NH nên tự nguyện thực hiện thông tư này không nên ỉ lại vào sự trì hoãn và chờ đến 6/2014.
TT 02/2013/TT-NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo các tiêu chuẩn quốc tế được kỳ vọng là một bước tiến về quản trị NH Việt Nam.
Với các tiêu chuẩn cao hơn, khi thực hiện, sẽ có nhiều nhóm tín dụng bị đưa vào nợ xấu hơn, tỷ lệ nợ xấu theo đó sẽ tăng lên.
Ví dụ, theo quy định hiện hành, tại nợ nhóm 3 chỉ 4 trường hợp thì theo Thông tư 02, con số này là 10. Nếu áp dụng thông tư này, chắc chắn con số nợ xấu sẽ tăng vọt và khiến cho sổ kế toán của các NH sẽ xấu đi nhiều so với hiện nay.
Một khi NH tăng mạnh tỷ lệ nợ xấu, cũng đồng nghĩa với việc sẽ phải tăng thêm các khoản trích lập dự phòng nên việc cho vay ra bị hạn chế.
Đặc biệt, với việc chuyển mạnh các khoản nợ sang nhóm nợ xấu thì các DN sẽ không thể tiếp cận nguồn vốn vì chính sách của các tổ chức tín dụng cũng như quy chế cho vay không cho phép cấp tín dụng mới cho các đơn vị đang có nợ xấu.
Chính vì những hệ lụy từ việc áp dụng TT02, NHNN đã quyết định giãn thời gian thực hiện thêm 1 năm để có sự chuẩn bị kỹ hơn.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài lại tỏ rõ sự thất vọng về quyết định này.
Bản báo cáo của Nhóm công tác ngân hàng thuộc VBF cho biết, một số ngân hàng từ lâu đã không báo cáo về nợ xấu, Thông tư 02 giúp giải quyết vấn đề này nhưng nó lại bị trì hoãn.
Theo báo cáo “Điều này khiến cho nợ xấu không thể giải quyết được nhanh chóng và việc khơi thông nguồn vốn lại tiếp tục bị trì hoãn. Vấn đề nợ xấu không thể chỉ giải quyết bằng một giải pháp duy nhất là thành lập Công ty quản lý nợ mà đi kèm với đó phải là việc triển khai áp dụng Thông tư 02”.
Sẽ tốt hơn nếu để các ngân hàng tự báo cáo về con số thực tế về nợ xấu và trích lập dự phòng. Khi thực thi thông tư này sẽ giúp cho các ngân hàng có báo cáo chính xác hơn, minh bạch hơn và sẽ tác động đến kinh tế nói chung. Vì vậy, VBF mong muốn các ngân hàng tuân thủ tự nguyện.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, các NH nên thực hiện Thông tư 02 trước khi nó chính thức có hiệu lực.
“Điều này có lợi cho các NH. Ngân hàng mạnh sẽ tốt lên và tạo được lòng tin với người dân, nhà đầu tư, còn ngân hàng không dám thực hiện, chắc chắn nợ xấu sẽ tồi tệ hơn so với những con số đã công bố. Hy vọng các NH không chờ đợi mà hãy tự nguyện thực hiện ngay thông tư này để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ông Terry Mahony, Nhóm công tác Thị trường vốn thuộc VBF cho rằng NH yếu kém đang gây ra nhiều nhiễu loạn, phân loại nợ bị đẩy lùi như vậy không thể giải quyết được nợ xấu và sẽ không có tín dụng cho nền kinh tế. Nếu chúng ta không biết nợ xấu là bao nhiêu, thì các kế hoạch giải quyết đề ra sẽ thiếu tin cậy.
“Báo cáo phải minh bạch thì mới có được kế hoạch xử lý tin cậy. Đây là lúc cần đưa ra các quyết định mạnh mẽ về cải cách ngân hàng thì lại lùi bước. Việt Nam là quốc gia có 90 triệu dân, dân số trẻ nhưng cần phải dũng cảm khi đưa ra quyết định thay đổi, mới trở thành quốc gia của tương lai”, ông Terry Mahony khuyến cáo .
Còn theo ông Alain Cany, đồng Chủ tịch VBF thì Thông tư 02 là một quy định rất tốt. Nếu áp dụng ngay lập tức thì nhiều NH Việt Nam lộ ra việc thiếu rất nhiều vốn. Tuy nhiên việc trì hoãn áp dụng sẽ làm cho tình trạng nợ xấu có thể tồi tệ hơn so với những gì mà chúng ta được biết. NHNN chắc cũng nhận thấy điều này bởi sẽ có nhiều ngân hàng không đạt được chuẩn về trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu.
Theo tôi nên để cho những NH tự thực thi và tuân thủ Thông tư 02, NH nào tự giải quyết được việc thiếu vốn thì Chính phủ sẽ can thiệp.
Việt Nam muốn mời gọi vốn ngoại để vực dậy các NH yếu kém, vì thế ngoài việc điều chỉnh nâng tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài lên thì cần nhanh chóng cải cách, minh bạch hóa hoạt động ngân hàng cũng như nợ xấu. Cho dù có nâng hạn mức tín dụng lên bao nhiêu đi nữa thì cá nhân tôi cho rằng, sẽ là giấc mơ không có thật nếu nghĩ rằng nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua lại những ngân hàng hoạt động trì trệ và rơi vào khó khăn, ông Alain Cany nói.
Trần Thủy