Sau hơn chục ngày lặn mò dưới đáy sông không có kết quả, cơ quan chức năng đã chuyển sang dùng lưới gắn móc câu thép kéo rê dọc sông với hy vọng sớm tìm được xác nạn nhân.


Bước sang ngày thứ 11, những nỗ lực không ngừng nghỉ của gia đình và lực lượng CSGT, Công an TP.Hà Nội trong việc tìm kiếm thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền vẫn chưa có kết quả.

Nhiều biện pháp như lặn mò, dò sào cho đến cả "ngoại cảm" đã được triển khai nhưng xác nạn nhân vẫn bặt vô âm tín.

Hiện gia đình chị Huyền đã dừng việc thuê thợ lặn mò xác quanh khu vực cầu Thanh Trì. Thay vào đó, họ thuê 3-4 thuyền của dân chài đi dọc bờ sông dò tìm với hy vọng thấy xác nổi lên.

{keywords}
Đã qua 11 ngày, việc tìm kiếm thi thể nạn nhân vẫn trong vô vọng. Ảnh: Đất Việt

Phía CSGT cũng đã chỉ đạo các đội tìm kiếm chuyển sang phương pháp dùng lưới gắn móc câu chùm bằng thép rà dọc đáy sông từ Thanh Trì tới Thái Bình. Lưới có độ nặng có khả năng bắt được cả những vật nhỏ.

Trước đó, trong các ngày từ 26-29/10, người dân tại nhiều khu vực dọc hai bờ sông Hồng đã liên tiếp phát hiện được nhiều thi thể trôi sông, nghi là thi thể chị Huyền.

Trong sáng 29/10, thông tin một thi thể nữ nổi gần khu vực cầu Yên Lệnh (nối 2 tỉnh Hà Nam - Hưng Yên) đã khiến gia đình và cơ quan chức năng dấy lên niềm hy vọng. Tuy nhiên khi cơ quan chức năng có mặt, xác minh, tất cả những thi thể này đều không phải là nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền.

Dư luận đã nhiều lần đặt nghi vấn Nguyễn Mạnh Tường có thực sự ném xác nạn nhân xuống sông hoặc buộc đá vào xác nạn nhân? Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP.Hà Nội khẳng định, cho đến nay khả năng lớn nhất là chị Huyền bị ném xuống sông. Vì ngoài căn cứ theo lời khai của nghi can Tường còn có nhân chứng nhìn thấy.

Về giả thiết nạn nhân có thể bị rạch hoặc bị tiêm thuốc gì đó để tan rã, một số chuyên gia đã lên tiếng phản bác.

Theo phân tích, nếu bệnh nhân đã tử vong, việc tiêm thuốc vào người là gần như vô hiệu vì thuốc không thể truyền khắp cơ thể.

Trong trường hợp nếu chị Huyền làm phẫu thuật nâng ngực bằng mỡ tự thân, các thủ thuật cũng không cần rạch bụng. Các bác sĩ chỉ đưa que hút vào 2-3, khi phẫu thuật xong thì khâu lại.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, căn cứ theo tài liệu khoa học kỹ thuật hình sự thế giới, một người chết đuối nước thông thường thì 5 – 7 ngày xác sẽ nổi lên, tùy vào điều kiện thời tiết.

Với những trường hợp chết rồi mới bị ném xuống nước, tổng kết của khoa học kỹ thuật hình sự cho thấy, phải từ 18 – 25 ngày sau, thi thể mới nổi.

M.Đức (tổng hợp)