Có nên mua ô tô trả góp không? Đây là câu hỏi mà nhiều người có nhu cầu mua xe quan tâm bởi không phải ai cũng có sẵn một số tiền lớn để trả ngay khi nhận xe. Với những ai đang có ý định mua ô tô trả góp, cần lưu ý một số điểm để tránh mất tiền oan.
Nói một cách đơn giản, mua ô tô trả góp là một hình thức giúp bạn sở hữu một chiếc xe mà chỉ cần phải trả trước 30%, hoặc chỉ khoảng 10% giá trị của xe. Phần còn lại ngân hàng sẽ chi trả trước, bạn sẽ phải thanh toán trong một thời gian khá dài. Thông thường, đại lý sẽ là trung gian giữa ngân hàng và người mua.
Tuy nhiên, khi mua ô tô trả góp bạn cần lưu ý những điểm dưới đây để tránh gặp phải rắc rối về sau cũng như đảm bảo lợi ích cho chính bản thân mình.
Lãi suất – Vấn đề quan trọng nhất
Khi mua ô tô trả góp, khách hàng phải xác định rõ là sẽ phải trả số tiền nhiều hơn giá trị ban đầu của chiếc xe, bởi mỗi tháng phải trả thêm một khoản lãi suất.
Hầu hết các ngân hàng thường cung cấp 2 gói tùy chọn lãi suất:
Lãi cố định trong suốt thời gian vay nhưng tiền lãi hàng tháng phải trả lại tính trên tổng số dư nợ ban đầu. Ví dụ: Bạn mua chiếc xe với giá 1 tỷ đồng, bạn trả trước 300 triệu đồng (30%) còn vay ngân hàng 700 triệu với lãi suất cố định 9%/năm, hàng tháng bạn sẽ trả một phần tiền gốc cộng với lãi suất tính luôn tính 700% ban đầu.
Ưu điểm của cách này lãi suất không chịu ảnh hưởng và biến động bởi điều chỉnh của ngân hàng. Tuy nhiên, trường hợp này người mua sẽ không được hưởng lợi nếu lãi suất thị trường giảm, đồng thời càng về sau mức lãi suất thực càng tăng lên. Do đó, chỉ những người có thu nhập ổn định mới lựa chọn hình thức vay này.
Hình thức thứ 2 cũng sẽ có lãi suất cố định ban đầu, nhưng sau đó sẽ điều chỉnh khoảng 3 tháng một lần theo chính sách của từng ngân hàng. Đa phần ngân hàng hiện nay đang áp dụng mức lãi suất từ 12% đến 15%, cao hơn khá nhiều so với hình thức đầu tiên.
Nhưng ngược lại, người mua xe sẽ chỉ cần trả một phần tiền cộng với phần lãi suất tính trên dư nợ thực tế. Nhiều khách hàng không để ý sẽ khá bất ngờ và bối rối khi ngân hàng thay đổi lãi suất (thường là tăng lên).
Do đó, tùy vào giá trị của chiếc xe cộng với điều kiện tài chính của bản thân, khách hàng có thể lựa chọn mức vay, từ 10% cho tới 90% giá trị xe, đồng thời lựa chọn hình thức vay thích hợp nhằm hạn chế rủi ro liên quan đến khả năng trả nợ cũng như biến động của lãi suất.
Chi phí và thủ tục
Thủ tục mua xe thường có 2 phần giấy tờ chính: Nhóm giấy tờ nhân thân và nhóm giấy tờ chứng minh tài chính.
Bên cạnh khoản phí mua xe, người mua còn phải cân nhắc các chi phí khác để thực sự sở hữu được chiếc xe. Các loại phí khác bao gồm: Phí đăng ký xe, chi phí thuế trước bạ, phí đăng kiểm, bảo hiểm xe, phí bảo hiểm với khoản vay ngân hàng cùng một số phí khác tùy theo quy định của ngân hàng cùng tổng giá trị xe.
Ngoài ra, người mua cũng cần quan tâm đến chi phí cho xe trong thời gian sử dụng như: phí bảo trì đường bộ, phí bảo dưỡng, phí trông gửi xe hàng tháng… để đảm bảo có đủ điều kiện tài chính chi trả nợ và lãi suất.
Tiếp theo là vấn đề bảo hiểm, bạn nên sử dụng gói bảo hiểm (công ty bảo hiểm) do ngân hàng ủy thác giới thiệu, vì khi xảy ra những rủi ro tai nạn việc làm thủ tục đối với ngân hàng và bảo hiểm đều được ưu tiên giải quyết hơn (đơn giản là ngân hàng lấy chiếc xe làm vật đảm bảo thì phải thúc giục bên bảo hiểm giải quyết nhanh các thủ tục).
Những vấn đề khác
Ngoài ra, người mua ô tô trả góp còn gặp phải một số rắc rối như: Lãi suất lớn, số tiền phải trả ban đầu cao, thủ tục thẩm định kéo dài khiến thời gian nhận xe lâu, không được vay do không đủ điều kiện tài chính, chi phí mua bảo hiểm lớn.
Vì vậy, trước khi quyết định mua ô tô trả góp, bạn nên suy nghĩ kỹ lưỡng, chỉ vay trả góp khi nguồn thu nhập tài chính ổn định, cần tính toán số tiền chênh lệch, lãi suất trả góp, tuyệt đối không ký hợp đồng khi chưa rõ bất cứ điều khoản nào.
(Theo Đời sống và Pháp luật)