Ngày 17/4, bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn ra tòa trong bộ quần áo thường thấy của các phạm nhân, chân đi dép tổ ong, tay bị còng.
Ông Tuấn và các cán bộ thuộc quyền bị truy tố về những việc ông làm lúc là Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Ông bị bắt tạm giam và điều tra khi đang là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
Khi ông Tuấn được điều chuyển về làm giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, những cải cách của ông về quản trị bệnh viện đã mang lại nhiều xáo trộn, tuy có tốt hơn cho bệnh nhân nhưng cũng động chạm đến quyền lợi của nhiều người. Sau khi ông Tuấn bị bắt, việc quản trị bệnh viện lại quay lại như cũ, và tháng 9 năm ngoái, bệnh viện này thuộc loại đi đầu trong việc xin được dừng tự chủ.
Ông Tuấn là Giáo sư, Tiến sĩ y khoa. Ông được biết đến nhiều với vai trò bác sĩ hàng đầu về tim mạch. Nhiều người bị bệnh tim đã được cứu sống nhờ tài năng của ông. Với năng lực chuyên môn và vị trí của mình, ông Tuấn hẳn sẽ có những đóng góp tốt nhất ở vị trí của một chuyên gia hàng đầu về bệnh tim-mạch, chữa bệnh và đào tạo các thế hệ bác sĩ tiếp theo. Nhưng từ năm 2012, khi ông trở thành người quản lý, chắc chắn, thời gian ông dành cho công việc của một bác sĩ, một người giảng dạy cho các thế hệ sinh viên, bác sĩ trẻ không còn nhiều.
Không có gì nhiều để nói về những lỗi ông Tuấn đã phạm phải khi quản lý Bệnh viện Tim Hà Nội để đến mức bị truy tố hình sự, nhưng chắc chắn, việc một bác sĩ như ông buộc phải học hỏi, làm công việc quản lý, vốn đòi hỏi những chuyên môn sâu về quản trị là một sự lãng phí về chuyên môn. Không chỉ vậy, nó đã gây rủi ro cho cả việc quản trị lẫn chuyên môn.
Bệnh viện Tim Hà Nội và sau đó Bệnh viện Bạch Mai là những thực thể lớn và phức tạp. Việc quản trị một thực thể lớn như vậy đòi hỏi nhiều kỹ năng và chuyên môn sâu khác nhau. Chẳng hạn, việc đấu thầu và mua sắm trang thiết bị và vật tư sẽ buộc người quản trị phải có những kỹ năng chuyên sâu về lĩnh vực đó. Rất tiếc, ông Tuấn sẽ chắc chắn không có đủ thời gian và có thể cũng không có đủ khả năng để quản trị công việc đó. Lời khai và sự ăn năn của ông trước tòa cho thấy rõ điều đó.
Ông Trần Việt Thái là Phó giáo sư, Tiến sĩ về Chính trị học, ngành Quan hệ quốc tế, từng là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao. Ông Thái được giới học giả và báo chí không chỉ ở Việt Nam biết đến với công việc của một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế, đặc biệt về Campuchia và cục diện chính trị Châu Á-Thái Bình Dương.
Không có nhiều người chuyên tâm làm công việc nghiên cứu về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại như ông Thái. Có thể khẳng định công việc đó cũng thú vị và cần thiết, có ích cho đất nước, đặc biệt trong bối cảnh chính trị đầy biến động như hiện nay. Vài tháng trước, ông Thái và một số cộng sự của ông bị bắt tạm giam trong vụ án “chuyến bay giải cứu”. Ông Thái bị bắt do những vi phạm khi là đại sứ tại Malaysia.
Rủi ro lớn
Chẳng có gì nhiều để nói về những vi phạm mà ông Thái và đồng sự ở sứ quán Việt Nam tại Malaysia phạm phải nhưng sự mất mát rõ ràng là nhìn thấy được. Chúng ta sẽ bớt đi một nhà nghiên cứu chính trị quốc tế và chắc sẽ không nhanh để lại có một nhà nghiên cứu khác như vậy.
Trường hợp của ông Nguyễn Quang Tuấn và ông Trần Việt Thái chắc chắn nên được cân nhắc và nghiên cứu khi xây dựng chính sách nhân lực cho khu vực công. Sử dụng đúng, có chính sách đãi ngộ phù hợp để những trường hợp như ông Tuấn, ông Thái và nhiều người khác nữa chuyên tâm vào chuyên môn.
Có không ít nhà chuyên môn đang phải đảm nhiệm những công việc quản lý như ông Tuấn và ông Thái, và phải khẳng định đã có những người làm tốt việc quản lý. Tuy vậy, rủi ro với chính họ không hề nhỏ. Nó không chỉ từ việc tuân thủ các quy định pháp luật ngày một chặt chẽ, những thủ tục ngày một phức tạp hơn mà còn là rủi ro từ những “cám dỗ” vật chất đến một cách tự nhiên, khi họ ngồi vào chỗ của những người làm công việc quản lý.
Quản trị bệnh viện, quản trị trường học, đấu thầu mua sắm… là những công việc đòi hỏi những chuyên môn và nên được dành cho những người được đào tạo, có kiến thức về những lĩnh vực này. Cùng với đó, những nhà chuyên môn sẽ phải có được chính sách đãi ngộ tốt, môi trường lành mạnh để làm việc hiệu quả.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường trích câu của người xưa “Dụng nhân như dụng mộc” để nói về việc phân công, sử dụng cán bộ: “Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng cong đều tùy chỗ mà dùng được”, “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, NXBCTQG, 2011).
Những người như ông Tuấn, ông Thái thuộc diện những người tài mà chúng ta đang mong muốn thu hút vào khu vực công. Những người tài trẻ tuổi đang nằm trong diện được thu hút chắc chắn sẽ nhìn vào những trường hợp này để lựa chọn con đường của mình.
Phạm Quang Vinh