Sau tiết sinh hoạt chủ nhiệm đầu năm học, bạn bè đồng nghiệp trong nghề gõ đầu trẻ gặp nhau đều chép miệng than “chán quá”.

Bạn tôi kể: “Trường mình phát động chương trình nuôi heo đất. Mỗi tuần, một em học sinh tiết kiệm bỏ vào đấy 2.000 đồng để khi cần ủng hộ đồng bào gặp thiên tai thì lấy đó mà đóng góp. Để các em thật sự ý thức khi nuôi heo đất của lớp, mình lấy hình ảnh mấy em thiếu nhi ở vùng lũ lụt Thanh Hóa mới đây phải lấy sách vở ra phơi cho học sinh xem để thêm phần thuyết phục. Nào ngờ, nhiều em phán một câu lạnh lùng: Ai biểu tụi nó nghèo làm chi!”.

Tương tự, tôi cũng ưa đem chuyện ngoài xã hội vào lớp để chuyện trò cùng học sinh. Năm nay, tôi đem chuyện người dân Bắc Trà My sống trong lo âu, sợ hãi vì động đất và hồ chứa nước của thủy điện Sông Tranh 2 bị rò rỉ. Nhưng các em thờ ơ lắm. Thậm chí cũng chẳng mấy em biết chuyện đó nữa kia. Vậy nhưng, tôi thử “ném” ra câu chuyện ì xèo quanh cuộc thi Giọng hát Việt thì lập tức cả lớp sôi động ngay. Em thì kể vanh vách mạng này viết thế này thế khác, em thì vanh vách chuyện Facebook của ca sĩ này nói gì, ca sĩ kia bình ra sao…

Tôi hỏi thêm về một loạt chương trình giải trí trên truyền hình, như Việt Nam Idol, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo… thì hóa ra đại đa số đều thích thú theo dõi. Hỏi mấy chương trình này toàn diễn ra gần đến nửa đêm mới hết thì làm sao xem khi ngày mai phải đi học sớm, những em được ba mẹ giám sát kỹ cho biết: “Tụi em mở mạng xem lại”.

Thế còn những chương trình có gắn bó đến việc học hành, như Đường lên đỉnh Olympia, Rung chuông vàng thì sao? Các em bảo hai chương trình này hồi mới ra thì cũng hấp dẫn, nhưng bây giờ sáo mòn, cũ kỹ quá.

Nói đến các bạn trẻ ngày nay, chúng ta thường hay phê phán rằng phần đông người trẻ thực dụng quá, sống chạy theo hình thức nhiều quá, không dám sống vì lý tưởng… Và cái tội ấy, chính do nhà trường.

Vâng, nhà trường đóng một vai trò quan trọng trong việc “trồng người”, khi thời gian của học sinh ở trong trường chiếm đến 1/3, thậm chí có thể là một nửa trong một ngày. Nhưng thời gian ấy, thầy trò chúng tôi toát mồ hôi để ngốn cho xong chương trình dạy và học quá nặng nề với 13, 14 môn học; lấy đâu ra thời gian để chăm chút cho tính cách, để uốn nắn cho lý tưởng sống của các em. Trong bối cảnh đó, vai trò của gia đình và xã hội cực kỳ quan trọng. Nhưng cha mẹ các em thì đầu tắt mặt tối chạy theo chuyện cơm áo gạo tiền, và như vậy, những phương tiện khác trong xã hội như truyền hình, báo chí đóng vai trò rất quan trọng.

Và chúng ta hãy xem truyền hình, báo chí (đặc biệt là báo mạng) ngày nay có những gì? Ôi thôi, tivi mở giờ nào cũng phim, cũng game show… Và thứ nào cũng khuyến khích chạy theo cuộc sống hưởng thụ. Như trên đã kể, chương trình mang tính giáo dục cao thì hiếm và không được đầu tư làm mới, năm nào cũng “lối cũ ta về”; trong khi đó những cuộc thi vô bổ, phù phiếm thì thay xoành xoạch, đổi mới liên tục. Báo mạng thì khỏi phải bàn, mở ra lúc nào cũng thấy váy ngắn chân dài, khoe vòng một, hở vòng ba, cùng vô số chuyện thị phi của giới giải trí.

Giới gõ đầu trẻ chúng tôi chỉ muốn nhắn nhủ một điều: Chuyện “trồng người” không chỉ là trách nhiệm của mỗi nhà trường. Vì vậy xin đừng vì đồng tiền mà nhắm mắt ném những chương trình, những bộ phim, những bài viết khuyến khích lối sống hưởng thụ lên sóng truyền hình, lên báo mạng. Nhổ nước bọt trước gió thì nó sẽ thổi văng lại mình. Chính con em của các vị cũng xem và đọc những thứ ấy đấy.

Theo Giáng Hương (Tuổi trẻ)