Lan tỏa lợi ích từ sản phẩm OCOP

Trong 3 năm (2018 - 2020), với 50 tỷ đồng thực hiện, Bắc Kạn đã có 131 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Trong đó, có 13 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 118 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 2 sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Đặc biệt, 2 sản phẩm OCOP đạt 4 sao đã hoàn thiện hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP quốc gia là miến dong Tài Hoan và nano Curcumin Bắc Hà. Bắc Kạn là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP.

Theo ông Trần Nhật Lam - Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, các sản phẩm OCOP của Bắc Kạn hiện đã tham gia rất nhiều kênh phân phối, giới thiệu quảng bá trên cả nước. Nhiều sản phẩm đã tạo nên hình ảnh, thương hiệu Bắc Kạn như miến dong, nghệ, dược liệu, tinh dầu cam quýt, gạo đặc sản…, được người tiêu dùng đánh giá cao. Bắc Kạn cũng là tỉnh đầu tiên của cả nước vận động, thành lập Hội Doanh nhân OCOP của tỉnh. Cách làm của Bắc Kạn được rất nhiều tỉnh, thành phố khác tới nghiên cứu, học tập. 

{keywords}
 

Thực tế, nhờ làm OCOP mà tỉnh Bắc Kạn xây dựng được phong trào sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp. Việc tham gia chương trình đã tạo ra nguồn thu nhập cao hơn cho người dân. Theo kết quả thống kê các chủ thể tham gia, đã có 73% tổ chức tăng doanh thu từ 1,1 đến 1,5 lần; 10% tổ chức tăng doanh thu từ 1,5-2 lần và 10% tổ chức tăng doanh thu trên 2 lần. Các chủ thể tham gia chương trình OCOP đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 473 lao động tại khu vực nông thôn.  

Nhờ chương trình OCOP, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ giảm nghèo của Bắc Kạn đạt gần 2,5%/năm; các huyện nghèo, tỷ lệ giảm nghèo đạt 4,19%/năm. Hầu hết các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đều nhờ vào động lực từ các sản phẩm OCOP, phần lớn hoàn thành tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất ở mức độ tương đối khá. 

Bắc Kạn quyết nâng tầm giá trị nông sản địa phương

Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn xác định thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” là một giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường.

Sau hơn 3 năm triển khai, OCOP khơi dậy những lợi thế, tiềm năng của tỉnh Bắc Kạn. Chương trình giúp nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của người nông dân về phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tham gia vào chuỗi giá trị, tập trung nuôi trồng theo định hướng, kế hoạch, thiết kế vùng sản xuất.

Nhờ tham gia chương trình, nhiều đơn vị sản xuất đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị; một số chủ thể mở rộng nhà xưởng, sân kho; mua sắm nhiều máy móc có giá trị như dây chuyền tráng miến của Hợp tác xã Tài Hoan, máy sấy Nghệ của Hợp tác xã Tân Thành…

Các chủ thể tham gia chương trình còn được tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ quản trị sản xuất, marketing bán hàng, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Được biết đã có 56 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.

Không chỉ tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhiều sản phẩm hàng hóa đã trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, được thị trường trong và ngoài nước đón nhận như miến dong, tinh bột nghệ... Một số sản phẩm đã được ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tạo ra các dòng sản phẩm giá trị cao như: Trịnh Năng gừng, Trịnh Năng Curcumin, Vicumax - Nano curcumn, 15 sản phẩm tham gia OCOP sản xuất theo chuỗi giá trị. Các sản phẩm có mẫu mã, bao bì đẹp, kiểu dáng phù hợp, chất lượng đạt các tiêu chuẩn quy định…

{keywords}
 

Bước sang giai đoạn 2021 - 2025, Bắc Kạn quyết định đầu tư hơn 117 tỷ đồng nâng cấp, chuẩn hóa, hoàn thiện các sản phẩm OCOP, mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 200 sản phẩm OCOP từ 3 sao OCOP cấp tỉnh, có ít nhất hai sản phẩm 5 sao OCOP quốc gia; hai sản phẩm du lịch cộng đồng; củng cố, phát triển 50 tổ chức kinh tế tham gia OCOP.

Để thực hiện mục tiêu đó, Bắc Kạn xác định đề án OCOP là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, của UBND các thành phố, huyện, xã, phường, thị trấn, của từng sở, ngành. Theo đó, tỉnh tích cực thông tin, tuyên truyền, thành lập hệ thống chỉ đạo điều hành thực hiện Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở; chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại…; khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP tại cộng đồng; ứng dụng công nghệ cao quy trình khép kín, tăng năng suất lao động và sản xuất, theo dõi quản lý chặt chẽ có hệ thống; công nghệ nhận diện thông minh đối với sản phẩm như tem điện tử phục vụ truy xuất nguồn gốc…

Theo đại diện UBND tỉnh Bắc Kạn, tỉnh chủ trương phát triển bền vững công nghiệp chế biến nông lâm sản, bằng cách khôi phục, phát triển 15 làng nghề; phấn đấu mỗi huyện có ít nhất một điểm trưng bày sản phẩm ngành nghề, có ít nhất 100 sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề gắn với chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm các tỉnh thành thực hiện tốt chương trình OCOP nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành và triển khai tại tỉnh; thúc đẩy kết nối giao thương hàng hóa sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại quốc tế.

Ngọc Minh