Đọc những chia sẻ của mọi người về chuyện “thủ” giữa vợ và chồng, tôi hiểu hơn vì sao ngày nay tỉ lệ ly hôn cứ gia tăng, nhất là ở vợ chồng trẻ. Cách nghĩ của thế hệ bây giờ khác xa thời chúng tôi.

Dù bất kỳ lý do gì, nếu vợ hoặc chồng cứ tìm cách “thủ thế” cho riêng mình thì còn gì là một gia đình. Khi đã quyết định kết hôn nghĩa là chung tay để xây dựng hạnh phúc, gom góp những cái riêng để tạo dựng cái chung. Vợ chồng lấy nhau mà trong tư tưởng vẫn giữ ý định vun vén cho riêng mình thì thà đừng cưới còn hơn. Đó chính là dấu hiệu của một cuộc hôn nhân không bền vững.

{keywords}

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tôi hiểu, ai cũng có lý do riêng để “thủ” nhưng tất cả đều nhận chung một kết quả là sự mất lòng tin của người bạn đời, hạnh phúc bị đổ vỡ. Các anh (chị) đừng nghĩ, vì vợ (chồng) tôi “thủ” nên tôi cũng “thủ”. Thay vì “thủ”, sao vợ chồng không cùng trao đổi thẳng thắn những khúc mắc trong việc này để tìm tiếng nói chung. Mặt khác, vợ chồng cần thông cảm cho nhau.

Nếu nhà vợ khá giả hơn nhà chồng, không cần giúp đỡ nhiều thì người vợ nên mở lòng trước những quan tâm của chồng đối với gia đình. Đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn thể hiện sự hiếu thảo. Tôi tin, những gì các chị nhận lại sẽ nhiều hơn cái cho đi. Các ông chồng cũng đừng sợ mất thể diện mà tìm cách lập “quỹ đen” để hỗ trợ riêng cho nhà mình. Nếu vậy, khi vợ phát hiện, mọi chuyện càng tệ hại hơn. Vợ chồng khác người dưng ở chỗ đó. Tôi thấy sợ khi nghĩ đến cảnh vợ chồng phân bì từng đồng một, ai cũng có tài khoản riêng để phòng thân. Vậy thì còn tâm trí đâu để lo cho gia đình chung, nuôi dạy các con nên người…

{keywords}

Như trường hợp của tôi, vợ chồng lấy nhau đã hơn ba mươi năm. Giữa chúng tôi gần như không có một sự chăm lo riêng nào, tất cả đều vun vén cho gia đình. Vợ làm chung cơ quan nên hàng tháng, cô ấy lãnh luôn lương của tôi. Đến khi về hưu, tôi cũng không biết lương hưu ra sao vì đã giao hết cho vợ. Phải công nhận, vợ tôi tay hòm chìa khóa giỏi và không hề hẹp hòi. Bên nhà nội có việc gì, vợ chồng tôi đều đem tiền về lo, nhà ngoại thiếu gì, vợ chồng tôi sắm, tất cả đều từ tiền tích lũy mà vợ tôi giữ. Hầu như giữa vợ chồng không có sự phân biệt nội ngoại, riêng chung. Anh em nội ngoại cần giúp, vợ chồng tôi đều thống nhất ý kiến nếu có điều kiện thì giúp còn không thì thôi. Dù vợ quản hết tiền bạc nhưng hàng tháng cô ấy đều đưa tôi tiền tiêu, tôi cảm thấy rất thoải mái chứ không gò bó gì. Không chỉ riêng tôi mà bạn bè cùng tuổi, gia đình ai cũng như vậy cả…

Vì vậy, tôi khá ngạc nhiên trước tư tưởng “thủ” của những người trẻ. Có thể, tôi không tân tiến nhưng từ trải nghiệm của đời mình, tôi nhận thấy, trong hôn nhân, càng “thủ” càng “thiệt”. Bởi, cái mất đi là lòng tin của bạn đời, mà đó lại là thứ không tiền bạc nào đánh đổi được.

(Theo Phunuonline)