-Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã và đang cung cấp định kỳ 2 tuần một lần các dược chất phóng xạ khác nhau cho 23 khoa y học hạt nhân trong cả nước, phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh cho khoảng 300.000 lượt bệnh nhân mỗi năm.
Chế tạo dược chất phóng xạ ở Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Nguồn: NLĐ. |
Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Hạt nhân (Đà Lạt), ngay sau khi đưa Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt trở lại hoạt động vào tháng 3/1984, một trong những chức năng chủ yếu của Lò phản ứng nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đã được khai thác, đó là sản xuất các đồng vị phóng xạ và dược chất đánh dấu dùng để chẩn đoán và điều trị bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư.
Các dược chất “made in Vietnam” hay "made in Dalat" này là những chất phóng xạ có thời gian bán rã ngắn và trung bình.
Chúng được chế tạo theo quy trình sau: chiếu bia (gồm các đồng vị bền) trên chùm hạt nơtron trong lò phản ứng. Sau đó, các dược chất phóng xạ được tách chiết ra nhờ công nghệ hoá học và chuyển đến các các Khoa Y học hạt nhân, các bệnh viện trong để sử dụng.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), từ năm 1997, đã có những dự án hỗ trợ cần thiết, cung cấp cho Viện Nghiên cứu Hạt nhân một số thiết bị sản xuất đồng vị phóng xạ dùng trong y học như dây chuyền công nghệ sản xuất đồng vị I -131, dây chuyền máy phát Tc- 99m, dây chuyền sản xuất P-32 ...
Các thiết bị này đã được các chuyên viên của “Trung tâm nghiên cứu và điều chế đồng vị phóng xạ” sử dụng một cách hiệu quả và từng bước thay thế bằng những thiết bị hiện đại hơn.
Trung tâm này hiện nay sản xuất được trên 30 sản phẩm khác nhau, chủ yếu dùng trong điều trị ung thư ở các khoa Y học hạt nhân tại các bệnh viện trong nước. Ở Tp. Hồ chí Minh có Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Pháp - Việt, Bệnh viện Chợ Rẫy…, ở Hà nội có Bệnh viện Bạch Mai, Quân Y viện 108, Quân Y viện 103, Bệnh viện K…và các bệnh viện lớn ở Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Khánh Hoà…
Trong số đó, dược chất phóng xạ như dung dịch và viên nang I-131 dùng để chẩn đoán và điều trị các bệnh về tuyến giáp, tấm áp P-32 để điều trị các bệnh ngoài da, Tc-99m và gần 20 loại kit in-vivo đánh dấu với Tc-99m để chẩn đoán hình ảnh chức năng và bệnh lý củacác cơ quan nội tạng, các dung dịch P-32, Sm-153 để điều trị giảm đau các di căn ung thư, và một số đồng vị khác được sản xuất theo các yêu cầu.
Hiện nay, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đã và đang cung cấp định kỳ 2 tuần một lần các dược chất phóng xạ khác nhau cho 23 khoa y học hạt nhân trong cả nước, phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh cho khoảng 300.000 lượt bệnh nhân mỗi năm.
Tất cả sản phẩm của Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt được sản xuất dưới sự kiểm soát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA về bảo đảm an toàn phóng xạ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của tổ chức Y tế Thế giới WHO, nhưng giá thành thấp hơn rất nhiều so với sản phẩm nhập từ nước ngoài, trong đó có sản phẩm giá chỉ có giá bằng 1/10.
Nhưng, do hạn chế công suất của Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, mặc dù hoạt động với công suất tối đa là 500 KWt, dược chất phóng xạ “made in Dalat” cung cấp chỉ được khoảng 60% nhu cầu trong nước, khoảng 40% còn lại phải nhập khẩu.
Bên cạnh Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt vẫn phải tiếp tục vận hành, dự kiến đến khoảng năm 2030, nhà nước đang có kế hoạch đầu tư một dự án mới, trong đó có xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu mới với công suất khoảng 15 MWt.
Ngoài nhiệm vụ mở rộng các nghiên cứu vật lý và kỹ thuật nơtron, ứng dụng đồng vị phóng xạ và kỹ thuật hạt nhân trong các ngành kinh tế kỹ thuật khác, lò phản ứng mới này sẽ tạo kiện sản xuất nhiều hơn chất đồng vị, dược chất phóng xạ nhằm đáp ứng nhu cầu khám và chữa bệnh ngày càng tăng của nước ta.
- Hoàng Hà