Ngay sau hôm cưới mẹ chồng đã rao giảng với tôi chắc nịch rằng: “Mẹ đã vớt con lên từ đống bùn nhơ nên suốt đời này con phải nhớ để mà trả ơn mẹ”.

Tôi và chồng yêu nhau từ thời còn học chung đại học. Ra trường công việc ổn định, định tiến tới hôn nhân thì vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía nhà chồng. Cụ thể là mẹ chồng. Bởi lí do quê tôi ở xa, lại là một tỉnh miền núi. Còn chồng tôi là trai Hà Nội chính gốc. Vậy nên mẹ chồng tôi nghĩ tôi lấy anh là để bám trụ lại cái thành phố này. Bà nhục mạ tôi không tiếc lời, tôi nhớ như in câu nói của bà khi ấy: “Cô không còn cách nào để bám trụ chốn phồn hoa này thì ra đứng đường mà làm gái chứ đừng bám víu vào con trai tôi”.

Cảm thấy bị xúc phạm đến tột cùng, ấy thế mà tôi vẫn bám víu vào con trai bà. Bởi đúng lúc định bỏ tất cả để về quê thì tôi phát hiện mình có thai. Với tôi lúc ấy thì tất cả mọi thứ đều có thể bỏ, trừ giọt máu mà tôi đang mang. Thế nên tôi đã phải muối mặt tới nhà bà để xin cho con tôi có một người bố. Kết quả tôi lại vuốt mặt không kịp bởi những lời xỉ vả như tát nước vào mặt. Cuối cùng bà cũng đồng ý.

{keywords}
Ảnh minh họa

Đám cưới diễn ra, tôi vẫn nhớ như in cái vẻ mặt của bà lúc lên nhà tôi rước dâu. Cái mặt của bà lúc nào cũng vác ngược lên, rồi lấy cái quạt diêm dúa phe phẩy. Anh em họ hàng nhà tôi hỏi han bà cũng không thèm để ý hoặc có thì cũng nói giọng chỏng lỏn.

Quá nhiều chuyện xảy ra đủ để tôi căm hận bà nhưng tôi nghĩ dù sao mọi chuyện cũng đã rồi. Về làm dâu nhà bà tôi sẽ cố gắng để tình cảm hai mẹ con được tốt hơn vì chồng và vì con tôi. Ấy thế nhưng cái thành ý ấy vừa được định hình thì đã bị bà phũ phàng dập tan không thương tiếc.

Vừa cưới xong chưa kịp thay áo váy bà đã bà gọi tôi vào phòng riêng để rao giảng rằng “Mẹ đã vớt con lên từ đống bùn nhơ nên suốt đời này con phải nhớ để mà trả ơn mẹ”. Tôi ngây người ra vì bất ngờ choáng váng thì bà lại nghĩ tôi không hiểu nên giải thích: “Mày coi lại đi, mấy đứa gái quê đã được cái phúc lớn như mày, được làm dâu thủ đô. Hơn nữa không có mẹ chồng mày đây thì có khi mày đã bị cạo đầu bôi vôi chết sông chết chợ vì cái tội chửa hoang rồi con ạ”.

Quãng thời gian sau đó, ngoài thời gian đi làm bà bắt tôi phục dịch cả nhà bà như một con ở. Từ nấu nướng giặt giũ, cơm bưng nước rót đến đấm bóp mỗi khi ông bà có nhu cầu. Đi đâu một bước phải có sự đồng ý của bà mới được đi. Ăn mặc thế nào phải vừa mắt bà chứ đừng “gái quê mà học đòi kiểu thành phố, muốn làm đĩ ra đường mà đứng” như lời bà nói. Tôi động thai phải nằm viện bà không một lời hỏi han, về nhà cũng không cần biết cháu mình còn sống hay chết. Tôi làm nô dịch cho nhà bà không một lời kêu than oán thán vậy mà suốt ngày bà đi kêu ca với hàng xóm là tôi mang ơn không biết trả.

Tôi nói với chồng thì anh lại hỏi thẳng bà, vậy là bà lại đổ cho tôi cái tội “ngậm máu phun người” với mẹ chồng, định ly gián tình cảm hai mẹ con họ. Rồi bà lại ôm chặt con trai mà khóc lóc, và khi ấy chồng tôi lại ném ánh mắt trách móc cùng tiếng thở dài về phía tôi ý là “mẹ già rồi sao em lại làm thế?”. Còn biết bao chuyện tương tự, dù tôi đã cố gắng.

Bà nói thẳng tôi rằng: “Đã là phận làm dâu thì phải dốc sức vì nhà chồng. Mày không mang ơn mẹ thì mày vẫn phải trả ơn tao sinh ra bố của con mày. Thế nên mày phải cố gấp năm gấp mười lần nữa mới đủ”. Nào tôi có lười nhác, thực lòng tôi không muốn hai mẹ con bất hòa nên bao năm trời tôi đã cố gắng hết sức, nhẫn nhịn trước những lời chửi rủa của bà. Còn tự an ủi mình rằng sẽ có một ngày bà hiểu cho tôi. Nhưng mọi việc tôi làm đều là vô ích.

Thấm thoắt mười năm, sự chịu đựng tưởng như đã thành thói quen thì hôm qua đây. Đúng lúc đi chợ về tôi nghe thấy bà lại oang oang với hàng xóm cái bài ca cũ rích là tôi mang ơn không biết trả rồi mất dạy nọ kia. Tôi chẳng thèm chấp bởi chuyện cũng chẳng có gì to tát, bà kêu tôi đưa tiền con gái bà đi du học tôi đã đưa. Xong lại đòi tôi tiền cho nó sang đó du lịch, tôi đâu phải cái mỏ vàng để mẹ con nhà bà đào trong khi tôi còn phải nuôi hai đứa con nhỏ. Định bỏ ngoài tai như mọi khi thì câu nói tiếp theo của bà khiến tôi tức đến sôi máu: “Thật đúng là đồ nhà quê bố mẹ dốt nát không biết dạy con”.

Nếu vẫn như mọi khi bà chê tôi bạc ơn thì tôi đã cho qua đằng này bà lại xúc phạm đến cả bố cả mẹ tôi. Máu dồn lên não cộng với ức chế đã lâu, tôi xổ đến tung hê vào mặt bà tất cả những gì được gọi là lí lẽ, là uất ức suốt mười năm tôi chịu đựng. Và “cứ cho là con có làm gì sai mẹ cũng không được động tới bố mẹ con”. Ngay tức khắc bà cho tôi cái tát nổ đom đóm mắt: “Bố mẹ mày ngu mới đẻ ra mày ngu, có được ngày hôm nay là nhờ có tao vậy mà mày ăn cháo đá bát. Mày kể công kể nợ gì, ơn tao mày trả cả đời không hết”. Chồng tôi chắc nghe hàng xóm gọi về, thấy vậy anh không cần biết lí do đã xông vào đẩy tôi ngã dúi dụi rồi chỉ tay vào mặt đuổi tôi cút.

Vậy là hết. Mười năm cam chịu tủi nhục, cung cúc phục dịch cả nhà chồng vì một lí do rất ư cao cả đó là vì yêu chồng nay chính thức chấm hết. Nhưng trước khi xách vali cùng các con ra khỏi nơi địa ngục này, tôi phải viết ra đây, viết để cho những người cùng chung kiếp nạn nhà chồng với tôi hiểu một điều rằng: đã là phận con dâu thì cũng chỉ là kẻ hầu người hạ, là người dưng nước lã.

Dù có đối tốt với nhà chồng đến mấy thì họ cũng chẳng bao giờ ghi nhận và coi chúng ta như người một nhà cả. Và nên nhớ một điều, người mà chúng ta yêu thương gọi là chồng cũng là kẻ có cùng dòng máu với bọn họ. Đừng mơ anh ta sẽ đứng về phía người ngoài như bạn khi có xích mích xảy ra. Vậy nên hãy biết ngừng hi sinh đúng lúc mà sống cho bản thân mình. Đừng vì cố giữ một tấm chồng, cố lấy một tiếng dâu thơm dâu thảo mà phải bán cuộc đời mình phục dịch không công cho “bè lũ” không biết điều ấy.

Bạn đọc Xuân Thanh (Hà Nội)