Hàng lậu nhiều do trong nước khan hiếm
Theo thông tin từ Đồn biên phòng Cửa khẩu Chi Ma (H.Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn), tình trạng buôn lậu nguyên liệu thuốc bắc đang có chiều hướng gia tăng trở lại và diễn biến phức tạp. Do trong nước đang khan hiếm nguồn dược liệu, các đối tượng buôn lậu đã sang Trung Quốc mua nguyên liệu thuốc bắc, sau đó tập kết tại khu vực biên giới, thuê cư dân thông thạo địa bàn, lợi dụng đêm tối vận chuyển vào Việt Nam. Nguồn lợi từ việc buôn lậu các loại dược liệu này khá cao.
Thảo dược được bày bán ở chợ truyền thống với nguồn gốc “trôi nổi” |
Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) mới đây đã đề nghị Sở Y tế TPHCM tăng cường kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh, xử lý nghiêm các cơ sở sử dụng sản phẩm không rõ xuất xứ. Tổng cục Quản lý thị trường cũng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược liệu. Thế nhưng, tình trạng bán dược liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc vẫn tràn lan, từ vỉa hè, chợ truyền thống đến chợ sỉ.
Trước cổng vào khu công nghiệp Tân Bình (ngã ba Trường Chinh - Tây Thạnh) là điểm bán dược liệu, nguyên liệu thuốc bắc. Tại đây, có đủ loại như dây khổ qua rừng, dâm dương hoắc, rễ xáo tam phân, táo tàu, tục đoạn, thái tử sâm, ô đầu, ngưu tất, hồng hoa, tử thảo, bạch truật, kim ngân, hạ khô thảo, khổ sâm… với giá từ 100.000-250.000 đồng/kg tùy loại. Tất cả đều được đựng trong các bao ni-lông trắng không nhãn mác, dựng sát trụ đèn giao thông, mặc nắng mưa, khói bụi. Người bán khẳng định, số dược liệu này do người dân miền núi tại các tỉnh phía Bắc tự trồng, được phơi khô tự nhiên 100% nên không sợ ẩm mốc. Trong khi đó, không ít dược liệu kể trên là thuốc bắc, chỉ Trung Quốc mới có.
Trong khu công nghiệp Tân Bình, dược liệu nam, bắc đổ đống trên vỉa hè và nhiều tấm pa-nô lớn treo ở các ngã tư đường giới thiệu về các loại nguyên dược liệu này. Tại góc đường Tây Thạnh - CN1, nhiều người bày bán đủ loại thảo dược được cho là thu hái từ núi rừng Tây Bắc như ba kích tím, củ đinh lăng, sâm cau, sâm quy, hà thủ ô đỏ với giá 150.000-180.000 đồng/kg.
Các gói dược liệu thuốc bắc bán theo thang như Minh Mạng thang 33 vị, mãnh lực trường xuân (thang thuốc trị yếu sinh lý), tứn khửn thang (biệt dược phòng the), bổ thận hoàn tùng lộc thang có giá từ 300.000-500.000 đồng/thang, mỗi thang có 33 vị thuốc. Tất cả thang thuốc này chỉ được kèm một tờ giấy giới thiệu sơ sài một số thành phần, tác dụng, cách dùng, không có thông tin về nơi sản xuất, lương y chịu trách nhiệm.
Tại chợ Rạch Ông (Q.8), chợ Vườn Chuối (Q.3), thường xuyên xuất hiện nhóm người đến trải bạt lên nền đất ẩm thấp, bày bán đủ loại thuốc nam, thuốc bắc. Người bán giới thiệu, dược liệu được trồng trên núi, thuốc do gia đình bào chế; người mua vẫn tấp nập ghé mua.
Do khí hậu nước ta khá đặc biệt, nhiệt độ thường trên 300C và độ ẩm môi trường luôn trên 85%, ánh sáng mạnh, nhiều bụi bẩn nên nếu không bảo quản kỹ, dược liệu sẽ dễ nhiễm khuẩn, nấm, mốc và rất khó rửa sạch. Theo dược sĩ Lê Kim Phụng - nguyên giảng viên Khoa Y học cổ truyền, Trường đại học Y Dược TPHCM - dược liệu lá, hoa hoặc dược liệu có chứa tinh dầu phải được bảo quản bằng cách sấy nhẹ cho khô rồi đóng gói kỹ trong bao bì thích hợp. Việc bảo quản thuốc đông y khó hơn nhiều so với tân dược. Tuy nhiên, tại các tiệm thuốc trên đường Hải Thượng Lãn Ông, Q.5 - nơi cung cấp sỉ, lẻ dược liệu lớn nhất TPHCM - việc bảo quản dược liệu khá sơ sài. Dược liệu được đựng trong bao, thùng giấy, dựng ngay trước cửa ra vào cho khách dễ lựa nên hứng đầy bụi đường, thậm chí bị nước tạt khi mưa.
Phần lớn dược liệu ở khu này được bán xá, không niêm yết nhãn mác theo quy định, chỉ người bán mới biết là dược liệu gì. Một số loại có niêm yết nhãn mác nhưng thông tin khá sơ sài. Tại tiệm Thu Hằng, chúng tôi hỏi mua thuốc đông y giúp ăn ngon, ngủ ngon, bồi bổ cho người bị suy nhược cơ thể, không cần hỏi gì thêm, người bán chỉ tay vào một khay dược liệu và cho biết đó là thuốc bổ tiềm gà “đại bổ cường lực”, muốn dùng bao nhiêu mua bấy nhiêu.
Theo người bán, thang thuốc này gồm có 12 vị thuốc, giá chỉ 10.000 đồng/gói 100g, có thể dùng tiềm gà, heo, nai, ngọc dương hoặc sắc nước, ngâm rượu uống. Thuốc được đóng gói sẵn trong bịch ni-lông, có miếng giấy kèm theo nhưng không có ngày sản xuất, hạn sử dụng, nguồn gốc, tên đơn vị cung cấp. Chúng tôi thắc mắc thì người bán tỏ vẻ khó chịu.
Chỉ xử lý lỗi “không có hóa đơn, chứng từ”
Theo Cục Quản lý y dược cổ truyền, do nước ta không chủ động nuôi trồng và đáp ứng được nhu cầu nên phải nhập khoảng 80% nguyên dược liệu từ nước ngoài, phần lớn từ Trung Quốc. Trong năm 2019, các đơn vị đã nhập khẩu chính ngạch hơn 2.000 tấn dược liệu các loại. Đó là chưa kể lượng dược liệu nhập lậu theo đường tiểu ngạch.
Lương y Nguyễn Đình Phương (Hội Đông y H.Hóc Môn, TPHCM) trăn trở: “Có những dược liệu khi mua về, mới biết không đạt chất lượng, phải đổ bỏ, tìm nguồn khác. Một trong những dược liệu bị làm giả nhiều nhất hiện nay là đông trùng hạ thảo. Các mặt hàng thông thường như nhục thung dung, hòa sơn, thục linh cũng bị làm giả. Những người làm nghề đông y như chúng tôi cũng không biết phải mua dược liệu ở đâu mới đảm bảo chất lượng, không bị làm giả. Tất cả dược liệu phải đảm bảo quy định về bảo quản, đóng gói, độ ẩm, độ khô để tránh nấm mốc, mọt, tạp chất nhưng thực tế, rất khó kiểm soát vấn đề này”.
Ngay cả với dược liệu nhập chính ngạch, chất lượng vẫn đang là nỗi lo. Theo lương y Phương, điều đáng lo là nhiều loại dược liệu nhập khẩu đã bị hút hết hàm lượng tinh chất, chỉ còn lại xác được tẩm màu, hương liệu, nguy cơ độc hại rất cao. Thậm chí, một số cơ sở sản xuất thuốc đông y đã lợi dụng việc xông lưu huỳnh với hàm lượng vượt quá mức cho phép để thuốc bắc không bị mốc, có màu sáng đẹp, bất chấp những nguy hiểm liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng.
Mặc dù tình trạng nhập lậu nguyên liệu thuốc bắc đang diễn biến phức tạp, nhưng việc kiểm tra xử lý còn nhỏ giọt. Chỉ khi xảy ra vụ nhập lậu hàng trăm tấn dược liệu từ Trung Quốc vào cuối năm 2019, Bộ Công an mới khám xét các tụ điểm tiêu thụ hàng lậu từ đường dây này.
Một cán bộ thuộc Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, để xử lý dược liệu nhập lậu, cơ quan quản lý thị trường phải phối hợp với ngành y tế để biết sản phẩm nào được lưu hành, sản phẩm nào không. Việc phối hợp kiểm tra liên ngành không thường xuyên nên cơ quan quản lý thị trường chỉ phát hiện và xử phạt với trường hợp không có hóa đơn, chứng từ, không thể kiểm tra xem sản phẩm đạt tiêu chuẩn hay không, chứa thành phần gì.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM - cho biết Cục Quản lý dược phân cấp cho Sở Y tế TPHCM và UBND quận, huyện có trách nhiệm quản lý cơ sở kinh doanh dược liệu. Do đó, đối với cửa hàng kinh doanh dược liệu ở quận, huyện thì UBND quận, huyện có trách nhiệm giám sát, kiểm tra, xử lý. Hiện Sở Y tế có ứng dụng quản lý y tế trực tuyến, nếu người dân phát hiện cửa hàng kinh doanh dược liệu nào sai phạm, có thể chụp hình gửi lên ứng dụng. Chánh thanh tra sở sẽ tiếp nhận, chuyển thông tin để phòng y tế quận, huyện kiểm tra, xử lý và phản hồi thông tin.
Theo một số lương y, hiện vẫn chưa có quy định về hàm lượng hóa chất bảo quản, hạn dùng đối với thuốc đông y. Vì vậy, hầu hết các vi phạm liên quan đến dược liệu nhập lậu chỉ bị xử lý chung chung với mức phạt chưa đủ sức răn đe.
Theo Phụ nữ TPHCM