Ngày 22/4 tới đây, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội sẽ xét xử phúc thẩm vụ án “Tham ô” và “Cố ý làm trái” xảy ra tại TCty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Bị cáo Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines) và Mai Văn Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Vinalines) kêu oan không phạm tội “Tham ô tài sản” dù cả hai đều bị kết án tử hình về tội danh này. Dư luận thì hồi hộp liệu Dương Chí Dũng có còn “cửa” thoát án tử hình?
Được biết, chỉ ít ngày sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, hầu hết các bị cáo đã có đơn kháng cáo. Trong khi một số bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Dũng và Phúc đều kháng cáo kêu oan và cho rằng mình không có hành vi tham ô (mỗi người 10 tỷ đồng) trong vụ Vinalines mua ụ nổi 83M của Cty AP (Singapore).
Dương Chí Dũng tại tòa |
Tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng (em trai Dũng) về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”, Dương Chí Dũng còn cho biết, ngoài đơn kháng cáo, Dũng còn viết đơn kêu oan gửi nhiều cơ quan, lãnh đạo Đảng và Nhà nước; trong đơn đề cập đến chi tiết Dũng được một Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chuyên án điều tra vụ Vinalines “mật báo” về tin khởi tố vụ án và khuyên Dũng “tạm lánh một thời gian” cũng như việc đã nhiều lần đưa tiền (lên tới cả chục tỷ đồng) cho người này. Từ đây, Dương Chí Dũng nghi vấn rằng, mình đã bị ép tội tham ô với mục đích...“diệt khẩu”.
Liệu có thoát án tử?
Bình luận về tình tiết Dương Chí Dũng cho rằng bị kết án tử hình “oan”, bị “diệt khẩu”, một số luật sư cho rằng, nghi vấn trên của Dũng là thiếu cơ sở và khó có thể lấy lý do này để kêu oan cho mình. Tuy nhiên, các luật sư cho rằng, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc nếu muốn được Tòa phúc thẩm xem xét để giảm án tử hình xuống chung thân thì họ phải thành khẩn nhận tội và tích cực khắc phục hậu quả.
Căn cứ vào hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2001 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, các bị cáo này phải nộp lại cho Nhà nước một phần khoản tiền bị cáo buộc là tham ô, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Tuy nhiên, theo thông tin mà phóng viên thu thập, xác minh thì đến thời điểm này, cả bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc vẫn không thừa nhận hành vi tham ô.
Đồng thời, hai bị cáo này tiếp tục đề nghị được làm rõ về lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn- nguyên Giám đốc Cty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines, thành viên Đoàn khảo sát ụ nổi 83M tại Nga - về việc đưa cho Dũng và Phúc mỗi người 10 tỷ đồng khoản “lại quả” sau khi Vinalines mua ụ nổi 83M với giá 9 triệu USD.
Đại án Vinalines ở vòng sơ thẩm. Ảnh: Tuổi trẻ |
Trước đó, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, Sơn khai được ông Goh - Giám đốc Cty AP - thông báo về việc đã “thống nhất” với Dương Chí Dũng về việc giao cho Sơn đứng ra nhận tiền lại quả 1,666 triệu USD. Số tiền này đã được chuyển về Việt Nam thông qua tài khoản của Cty Phú Hà (do em gái Sơn làm chủ). Sau khi nhận được tiền, Sơn đã chuyển cho bị cáo Dũng và Phúc mỗi người 10 tỷ đồng, đưa cho Trần Hữu Chiều- Phó Tổng Giám đốc Vinalines 340 triệu đồng…
Sơn cho biết đã đưa tiền cho bị cáo Dũng 2 lần, tổng cộng 10 tỉ đồng. Đối với bị cáo Phúc, Sơn khai đưa ba lần, tổng cộng 10 tỉ đồng; trong đó có lần Sơn đưa 2,5 tỷ tại nhà của Phúc tại huyện An Dương, Hải Phòng.
Người liên quan xin được đối chất
Trước thềm phiên tòa phúc thẩm, bà Ngô Thị Vân- vợ bị cáo Phúc, đồng thời là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án - đã có đơn gửi đến Tòa và một số cơ quan “xin cứu xét” cho chồng. Bà Vân cho rằng, việc quy kết bị cáo Phúc nhận 10 tỷ chỉ căn cứ vào lời khai của bị cáo Sơn và lời khai của anh chị em Sơn là chưa thỏa đáng và cần xem xét lại động cơ khai báo này.
Về chi tiết Sơn khai “mang va ly đựng 5 tỷ đến nhà bị cáo Phúc nhưng Phúc không có nhà, chỉ có một người phụ nữ ra mở cửa. Sơn ngồi đợi ở phòng khách khoảng 45 phút thì Phúc về cùng một người khách…”, bà Vân đã “xin cho đối chất” với bị cáo Sơn và đề nghị làm rõ “người phụ nữ ấy là ai”.
Ngoài ra, bà Vân còn khẳng định, dịp gần Tết âm lịch 2008, nhà bà không có giỗ hay sinh nhật nào cả. Trong khi đó, theo lời khai của bị cáo Sơn thì hôm Sơn mang 2,5 tỷ đến nhà bị cáo Phúc tại xã An Hồng, huyện An Dương, Hải Phòng thì nhà Phúc có rất đông người (đám giỗ hoặc mừng thọ).
Trước phiên tòa phúc thẩm, Luật sư Trần Đình Triển bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng cho biết, đến nay Dương Chí Dũng vẫn giữ nguyên lời khai về việc được một Thứ trưởng Bộ Công an “mật báo” cho Dũng bỏ trốn và đã nhiều lần đưa số tiền “khủng” cho người này.
Theo Bản án sơ thẩm số 479/ 2013/HSST ngày 16/12/2013 thì bị cáo Dương Chí Dũng bị kết án 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái” do có vai trò chủ mưu, có hành vi ký quyết định phê duyệt đầu tư dự án, chỉ đạo cấp dưới lập báo cáo khảo sát ụ nổi 83M không đúng thực tế để hợp thức thủ tục mua, gây thiệt hại gần 367 tỷ đồng. Ngoài ra, thông qua hợp đồng này, bị cáo đã chủ mưu trong vụ tham ô tài sản, thực hiện việc tham ô 1,666 triệu USD, tương đương hơn 28 tỷ đồng, riêng Dũng chiếm hưởng 10 tỷ đồng. Dương Chí Dũng bị kết án tử hình về tội “Tham ô”, tổng hợp hình phạt chung là tử hình. Vai trò của bị cáo Mai Văn Phúc được Tòa sơ thẩm xác định là “ngang” với Dương Chí Dũng trong cả việc phê duyệt dự án, mua ụ nổi và nhận tiền ăn chia nên Phúc cũng lần lượt nhận mức án là tử hình về tội “Tham ô” và 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái”. Ngoài ra, mỗi bị cáo còn hoàn trả số tiền tham ô và bồi thường thiệt hại gần 110 tỷ đồng. |
(Theo Pháp luật VN)