- "Trên thế giới, ít thấy  nước nào cho nước khác mượn đất để phục vụ cho cuộc chiến tranh của mình", Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nói tại buổi gặp mặt truyền thống Trường Sơn đoàn kết chiến đấu Việt - Lào ngày 8/9.

Nửa thế kỷ quan hệ Việt - Lào
Giao lưu báo chí Việt - Lào
Việt - Lào củng cố quan hệ truyền thống


Đường Trường Sơn huyền thoại. Ảnh: website Hội truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh Việt Nam

Tại buổi gặp mặt do Hội truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tổ chức, Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội, đã ôn lại lịch sử ra đời của Đoàn 559 - đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Trường Sơn, và đường Tây Trường Sơn trên đất nước Lào.

"Cuối năm 1960, hai đảng, hai nhà nước Lào và Việt Nam đã cho phép Đoàn 559 mở đường Tây Trường Sơn trên đất nước Lào anh em để thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến lược cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", Thiếu tướng Võ Sở nói.

Quyết định này đã tạo ra thế trận mới, một yếu tố chiến lược quan trọng, bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng của cả hai nước. Đoàn 559 đã xây dựng một mạng lưới đường giao thông cơ giới hoàn chỉnh ở Tây Trường Sơn, với sự phối hợp chiến đấu của bộ đội Pha Thét Lào và sự hy sinh, giúp đỡ hết lòng của nhân dân các tỉnh Trung và Nam Lào.

"Hàng trăm bản làng của nhân dân Lào đã tự nguyện rời bỏ nhà cửa, nương rẫy từ bao đời để cho tuyến đường Trường Sơn bảo đảm yêu cầu 'gần nhất, dễ đi nhất'; những bản làng nằm gần con đường mới mở cũng phải rời sâu vào rừng để tránh bom đạn Mỹ đánh phá ác liệt suốt ngày đêm", Thiếu tướng Võ Sở nhấn mạnh.

"Sự hy sinh to lớn ấy của đồng bào các bộ tộc Lào ở Tây Trường Sơn không gì có thể so sánh được", Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh Việt Nam khẳng định.

Là vị tư lệnh lâu năm nhất của Binh đoàn Trường Sơn (từ 1967 đến 1975), Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nhìn nhận về mặt chiến lược, đó là một sự hy sinh hiếm có.

"Trong các cuộc chiến tranh trên thế giới, ít thấy có một nước nào cho nước khác mượn đất để phục vụ cho cuộc chiến tranh của mình", vị tướng lão thành nói. "Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam, Lào đã đi tiên phong, chủ động, tình nguyện, tự nguyên cho Việt Nam mượn gần một nửa phần đất của Trung Hạ Lào, để cùng với sườn Đông Trường Sơn trên đất Việt Nam, xây dựng thành một chiến trường chiến đấu tổng hợp, lấy nhiệm vụ chi viện vận tải cơ giới làm trung tâm, trong điều kiện quân địch đánh phá, lấn chiếm, ngăn chặn quyết liệt".

Từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng GTVT, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nhận định "mạng lưới đường cầu đa dạng, đồng bộ, liên hoàn đó là một trận đồ Bát Quái mà quân địch không thể phá nổi", "đã đưa vận tải cơ giới phát triển đến đỉnh cao, thỏa mãn nhu cầu vật chất, binh lực cho các chiến trường miền Nam".

Đáp lại tấm lòng của các vị tướng lão thành Việt Nam, Đại tá Phim-ma-chăn Vông-băn-nha, Tùy viên Quân sự Lào tại Việt Nam, nhấn mạnh: "Đảng, nhà nước, quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào rất tự hào vì đã đóng góp hết sức mình vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là đường mòn Hồ Chí Minh trên đất Lào trải dài theo sườn phía Tây dãy Trường Sơn đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển binh lực, tập hợp lực lượng, vũ khí, khí tài chi viện cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975".

Buổi gặp mặt là một sự kiện ý nghĩa trong Năm hữu nghị Việt - Lào, nhân kỷ niệm 35 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào và 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Lưu giữ ký ức bộ đội Trường Sơn

Trong lời chia sẻ của mình, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên cũng băn khoăn khi thấy ý nghĩa và tầm quan trong của đường Tây Trường Sơn trên đất Lào đến nay chưa được đặt đúng tầm, nói đúng mức.

PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đồng tình: 14-15 tập sách viết về đường mòn Hồ Chí Minh vẫn là chưa đủ.

Trong khi Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên bày tỏ "khâm phục các bạn Lào đã có sáng kiến lưu lại một đoạn đường Tây Trường Sơn làm bảo tàng ngoài trời cho khách tham quan" thì PGS. TS Phạm Mai Hùng thừa nhận Việt Nam chưa làm được việc này. Ông cho biết Hội đang kiến nghị Trung ương cho tiến hành.

Nhưng ông Hùng nhấn mạnh một mảng nếu không khẩn trương lưu giữ sẽ không còn: đó là ký ức của bộ đội Trường Sơn.

"20.000 người đã ngã xuống trên chiến trường, bao nhiêu người đã qua đời kể từ ngày thống nhất, với những người còn đang sống, nếu không kịp lưu lại ký ức của họ, 5-7 năm nữa sẽ không còn để truyền lại cho những thế hệ sau".

Chung Hoàng