TQ ngụy biện khi liên hệ đường lưỡi bò với các khái niệm quyền chủ quyền, quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của luật biển hiện đại. Không phải 80% Biển Đông trong phạm vi đường lưỡi bò mà gần như 100% vùng biển của VN, Malaysia, Philippines bị vẽ thuộc về TQ.

Do không có sự rõ ràng trong lập trường chính thức của TQ và để đối phó với sự chất vấn liên tục của các nhà nghiên cứu nước ngoài, tại các diễn đàn quốc tế, các học giả TQ đã cố gắng đưa ra ít nhất 3 cách giải thích khác nhau về nội dung yêu sách của đường lưỡi bò.

3 cách giải thích yêu sách của đường lưỡi bò

Theo cách giải thích thứ nhất, thẩm phán Tòa án Luật biển quốc tế, GS Cao Chí Quốc (Gao Zhiguo), nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển biển, Cục Hải dương quốc gia TQ cho rằng đường này yêu sách sở hữu các đảo nằm bên trong hơn là một đường biên giới biển. Ông nhận xét: “Nghiên cứu kỹ các tài liệu TQ cho thấy TQ chưa bao giờ yêu sách toàn bộ cột nước của biển Nam Trung Hoa mà chỉ các đảo và vùng nước xung quanh các đảo nằm trong đường này”.

{keywords}
Tàu TQ (bên phải) áp sát, ngăn cản, sẵn sàng đâm va, uy hiếp tàu Kiểm ngư Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Về cách giải thích thứ hai, Phan Thạch Anh (Pan Shiying) cho rằng con đường này đã tồn tại một nửa thế kỷ nay, không quốc gia nào phản đối và vì vậy đã tạo ra một danh nghĩa lịch sử cho TQ, là con đường biên giới quốc gia. TQ yêu sách chủ quyền không chỉ các đảo, đá của bốn quần đảo Đông Sa, Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa (bãi ngầm Macclefield) và Nam Sa (Trường Sa) mà toàn bộ vùng nước trong đường chữ U đó. Theo ông, “chính phủ TQ, thông qua việc ấn bản các bản đồ này muốn gửi ba thông điệp tới cộng đồng quốc tế:

1. Khu vực nằm trong đường biên giới này là các đảo, đá và các vùng nước kế cận của chúng đã thuộc chủ quyền và quyền tài phán của TQ trong lịch sử.

2. Phù hợp với các công ước quốc tế, vị trí và hướng đi của con đường đứt khúc 11 đoạn này (sau thay bằng 9 đoạn) đã được vạch theo cách gần như là đường cách đều giữa rìa ngoài của bốn quần đảo trong biển Nam Trung Hoa với đường bờ biển của các quốc gia kế cận. Điều này đã và đang là hợp pháp vào thời gian đó của chiếm cứ, chiếm hữu và quản lý.

3. Thực tiễn sử dụng các đường đứt khúc hơn là một đường liên tục để đánh dấu một số các khu vực chủ chốt đã chỉ ra thực chất của việc “chưa dứt điểm”, để lại khả năng đưa ra những điều chỉnh cần thiết trong tương lai”.

Nói cách khác, vùng nước do con đường này bao bọc là vùng nước lịch sử theo chế độ nội thủy của TQ. Con đường này chỉ là hình thức, còn danh nghĩa lịch sử của TQ trên vùng biển này mới là nội dung.

Một biến thể của cách giải thích này được kết hợp với Công ước Luật biển UNCLOS sẽ cho phép TQ coi đường lưỡi bò là đường cơ sở để từ đó mở rộng thêm các vùng lãnh hải 12 hải lý, đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa. Nói một cách khác, không phải 80% Biển Đông trong phạm vi đường lưỡi bò mà gần như 100% vùng biển của VN, Malaysia, Philippines thuộc TQ.

Về cách giải thích thứ ba, GS Zou Keyuan, Lancashire Law School of the University of Central Lancashire, Anh cho rằng yêu sách của TQ không nên xem như yêu sách vùng nước lịch sử theo nghĩa truyền thống mà giống như một dạng yêu sách các quyền chủ quyền và quyền tài phán lịch sử chứ không phải là yêu sách chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối.

Có nghĩa là các đảo, đá, địa vật trong Biển Đông được hưởng các vùng nước lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa như luật biển quy định. Tại các vùng nước bên ngoài các vùng biển này nhưng nằm trong đường lưỡi bò, TQ có các quyền lịch sử về đánh cá, về tài nguyên không sinh vật...

Nói cách khác, đây là sự nguỵ biện liên hệ đường lưỡi bò với các khái niệm quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của luật biển hiện đại.

Đây là cách vừa biện minh đường lưỡi bò, vừa chứng tỏ TQ không đi ngược lại các cam kết của mình khi ký và phê chuẩn Công ước Luật biển như ông Wang Junming đã phát biểu.

Nguyễn Hồng Thao

Tiếp: Vach đường chữ U, TQ mua dây buộc mình