- 2013, lĩnh vực ngân hàng không còn sôi sục như 2012. Tuy nhiên, sự hạ nhiệt đó không phải đã hết chuyện nóng mà tất cả những vấn đề cũ vẫn còn, chỉ có điều, nó đã được đặt vào những đường ray để xử lý một cách bài bản với tốc độ nhanh hơn. Những câu chuyện trước đây rất nóng, rất rối thì nay đã rõ hướng đi, cứ thế mà làm.
Đoạn buồn của vàng và đô
Sau cơn sóng nhẹ không đáng có vào 12/2013, mùa tết 2014, lần đầu tiên trong nửa năm qua, giá USD bán ra của các ngân hàng sụt giảm về ngang bằng giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dưới 21.100 đồng.
Trước diễn biến này, giới kinh doanh ngoại tệ đã miêu tả tỷ giá 2012-2013 là ngày càng quá ổn và quá buồn. Điều này không khó hiểu khi giới kinh doanh cần sóng và muốn tạo sóng để kiếm lợi thì tỷ giá đã lặng suốt hai năm qua, vài cơn sóng nhỏ nhen nhóm đã sớm bị dập tan.
Trước đây, cuối năm luôn là nỗi ám ảnh về ngoại tệ thì hai năm qua chuyện đó đã không lặp lại khi NHNN điều hành ngoại hối một cách chủ động và minh bạch và kiên định. Hai năm qua, lãnh đạo NHNN đã không dưới ba lần giữ vững các cam kết của mình trong điều hành tỷ giá. Cả 2013 và 2013, dù đề ra mức điều chỉnh tỷ giá không quá 3% nhưng chưa bao giờ hạn mức này sử dụng hết.
Một đường ray cho tỷ giá đã được hình thành (ảnh minh họa). |
Sự ổn định đã tạo ra tâm lý mới cho người nắm giữ ngoại tệ, không còn đặt sự kỳ vọng vào biến động tỷ giá. Đầu 2014, khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố hạn mức điều chỉnh tỷ giá 2014 không quá 2% thì dường như không còn được quan tâm như trước. Ngược lại, thị trường được xem như là điều đã được dự đoán.
Vì thế, xu hướng người dân chuyển USD qua VND ngày càng nhiều. Mùa Tết 2014, nguồn cung ngoại tệ đã tăng mạnh, các NH thương mai liên tục mua được ngoại tệ và bán ròng về NHNN. Đây là cơ hội để NHNN mua vào để tiếp tục gia tăng dự trữ ngoại hối sau khi đã đạt đến mức kỷ lục vào cuối 2013.
Một đường ray cho tỷ giá đã được hình thành. Theo các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường ngoại tệ năm 2013 giữ được sự ổn định, tỷ giá dao động trong biên độ cho phép, không có đột biến về nhu cầu ngoại tệ trên thị trường. Chênh lệch tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do được thu hẹp, tỷ lệ đô la hóa giảm mạnh. Các thị trường trong nước không còn chịu tác động của giá USD trên thị trường quốc tế, đây là yếu tố quan trọng trong việc duy trì lòng tin của các nhà đầu tư, góp phần tích cực trong việc ổn định lạm phát, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng dự trữ ngoại hối.
2013, thị trường vàng đã trải qua một giai đoạn rất nóng nửa đầu năm để rồi cũng dần đi vào ổn định và buồn tẻ ở cuối năm. Đầu 2013, thực thi Nghị định 24 có mở đầu khá suôn sẻ khi gần 3.000 điểm bán vàng miếng đủ tiêu chuẩn được cấp phép. Nhưng suốt nửa năm sau đó, lộ trình bình ổn vàng thực sự là một ‘cuộc chiến’ nóng bỏng.
Giữa tất cả những tranh cãi kéo dài, trong những nghi ngờ và lo ngại xoay quanh cơ chế độc quyền nhập khẩu và sản xuất vàng miếng, câu chuyện muôn thuở chênh lệch giá vàng cho đến hoạt động tất toán vàng ở các ngân hàng thương mại... NHNN vẫn giữ quyết tâm bình ổn và tạo lập một diện mạo mới cho thị trường vàng.
Sự kiên định trong chính sách liên quan tới vàng đã giúp bình ổn thị trường này. |
Không thể quên thái độ lạnh lùng khi NHNN ép các ngân hàng tất toán vàng đúng thời điểm dù phải chấp nhận lỗ hàng ngàn tỷ đồng để dứt điểm với một giai đoạn sai lầm để lại quá nhiều hậu quả. Cũng khó thể quên, độ ‘lỳ’ của NHNN trong chuỗi liên tiếp với 70 phiên đấu thầu vàng để tăng cung ra thị trường khi hàng chục phiên đấu thầu đầu tiên với hàng chục tấn vàng bung ra đều được vét sạch.
Dư luận liên tiếp đặt ra những câu hỏi: vàng đi đâu?, Sao chênh lệch vàng chưa giảm?, Bán vàng đến bao giờ? và rồi tiền thu về từ bán vàng về đâu?... Giữa tất cả dòng thông tin đó, NHNN vẫn lầm lũi làm ‘việc mình cho là đúng’ và kiên trì: bán vàng để bình ổn thị trường; giá vàng do thị trường quyết định, mua vàng giá cao hơn thì cũng bán giá cao, sự chênh lệch ở đây không phải là thiệt thòi của người mua - bán; NHNN sẽ tiếp tục đấu thầu vàng khi nào thị trường có nhu cầu vì mục tiêu bình ổn.
Về cuối năm, những phiên đấu thầu vàng thưa dần và ế thêm. Trên thị trường, hoạt động mua bán vàng miếng trên thị trường ngày càng trầm lắng. Giá vàng đã liên tục giảm, tính từ đầu năm vàng đã mất hơn 10 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá ngày càng thu hẹp. Một đường ray mới đã đẩy vàng vào một năm đáng buồn nhưng với nhà quản lý, đường ray mới đã đưa vàng dần đi đúng quỹ đạo bình ổn.
Năm qua, vàng đã không còn là vua trên thị trường. Thị trường vàng đã không còn những cơn sốt khiến người dân phải xếp hàng bán - mua và đầu cơ làm giá cũng hẹp dần đất sống. Những biến động của vàng đã không còn gây tác động lên kinh tế và hệ thống tài chính. Đó là chưa kể đến nguồn thu hơn 8.000 tỷ từ đấu thầu vàng đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình |
Với diễn biến của vàng và đô, người có tiền giờ đây có thể yên tâm và dễ dàng lựa chọn cách bảo vệ tài sản của mình như Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã nói, “2 năm qua, những ai có tiền gửi ngân hàng bằng đồng Việt Nam đều có lãi và an toàn’.
Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, dù phải chịu nhiều sức ép, dứt khoát phải tiếp tục độc quyền nhập khẩu vàng, vì đó là ngoại tệ. Thủ tướng cũng yêu cầu trong năm tới, NHNN có chính sách huy động nguồn lực vàng cất trữ trong dân để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.
Tái cơ cấu: Làm rồi quen
Cuối 2011-2012, những vụ sáp nhập, hợp nhất, đổi chủ để tái cơ cấu ngân hàng luôn là điểm nóng. Từ vụ hợp nhất 3 tổ chức để ra đời SCB, sáp nhập Habubank vào SHB hay đổi chủ ở TienphongBank... thực sự gây chấn động.
Lộ trình tái cơ cấu đã thực sự nở rộ và có nhiều kết quả trong 2013 với hàng loạt sự kiện: Đại Tín chuyển thành NH Xây dựng, Navibank thành NH Quốc Dân, Westernbank hợp nhất với PVFC thành Pvcombank, GPBank đang tích cực tái cơ cấu. Bên cạnh đó, vụ sáp nhập tự nguyện hai NH không thuộc diện yếu kém là Đại Á và HD Bank.
Nhiều vụ tái cơ cấu nhưng nó không còn quá nóng như trước đây. Dường như tái cơ cấu NH đã trở thành một việc làm rồi thành quen. Đó là việc tất cả các NHN phải làm để chạy nhanh trên một lộ trình mới.
Trên đường ray đó, tốc độ tái cơ cấu được đẩy nhanh hơn cả lộ trình dự kiến. Năm 2013 đã khép lại thành công bước đầu của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Cơ bản các NH yếu kém đã được xử lý, hoạt động của hệ thống bảo đảm an toàn và có bước phát triển. Năng lực tài chính của các NH được cải thiện, nguy cơ đổ vỡ, mất an toàn hệ thống được đẩy lùi...
Không những thế, NHNN đã rà soát là đưa thêm danh sách 8 tổ chức chức khác để tiếp tục tái cơ cấu trong thời gian tới. Và một bước khó khăn và nhạy cảm nhất của tái cơ cấu là cắt sở hữu chéo giữa các NH đã được lên kế hoạch. Lộ trình tái cơ cấu chưa thể dừng lại, nó vẫn được tiếp tục đẩy mạnh trên một đường ray đã có đoạn chạy đà thuận lợi.
Ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định: Hệ thống NH đã được tái cấu trúc khá hiệu quả. Ðây cũng là lĩnh vực được tái cấu trúc mạnh mẽ nhất và dễ nhận thấy nhất, so với hai lĩnh vực khác là tái cơ cấu đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước.
Lạm phát không còn là "con ngựa bất kham". |
Cùng với tái cơ cấu, việc xử lý nợ xấu vẫn tiếp tục được đẩy mạnh với sự ra đời và hoạt động có hiệu quả của VAMC. Tính đến ngày 31/12/2013, VAMC đã mua được 38.900 tỷ đồng nợ xấu của 34 TCTD bằng trái phiếu đặc biệt. Còn các NHTM đã trích lập dự phòng rủi ro trên 100.000 tỷ đồng đồng thời siết chặt chuẩn tín dụng để tránh phát sinh thêm nợ xấu.
Hai giảm với lãi suất và lạm phát
Ông Lê Xuân Nghĩa đã cho rằng, trong hai năm qua, chúng ta đã duy trì được một chính sách tiền tệ nhất quán và có kết quả rõ nét. Theo ông, Vào thời điểm cuối năm 2011, lạm phát vào khoảng 18-20%, dự trữ ngoại tệ còn khoảng 7 tỷ đô la, các NH đều khủng hoảng thanh khoản và vàng trở thành một vấn đề rất lớn trong tổng tài sản của các NH. Đến bây giờ, lạm phát hầu như không tăng, 2013 chỉ ở mức 6%. Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ tăng lên, tỷ giá hối đoái ổn định và lãi suất giảm rất sâu. Điều đó cho thấy chính sách tiền tệ là một trong những chính sách đạt thành công nhất trong về kinh tế vĩ mô.
Chuyên gia kinh tế, ĐB Quốc hội Trần Du Lịch đã cho rằng, trong thực thi chính sách tiền tệ, đầu tiên và lớn nhất phải kể đến đó là kiềm chế lạm phát. Nếu như năm 2011 mặc dù đã thực thi Nghị Quyết 11 nhưng lạm phát vẫn trên 18%, năm 2012 là 6,51% và năm 2013 vẫn ở mức thấp nhất 10 năm qua là 6,04%. Lạm phát không còn là ‘con ngựa bất kham nữa’.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, vào cuối năm 2011, NHNN phải kiểm soát lạm phát và thực hiện giảm lãi suất như hai thách thức trái ngược nhau.
Hai năm trước thị trường lãi suất cho vay đã lên tới đỉnh điểm 20-25%/năm. Nay lãi suất cho vay trung bình đã về 10%/năm, giảm trên 50% so với 2 năm về trước. Thậm chí, nhiều gói tín chỉ còn từ 7-9%/năm. Thậm chí, các ngân hàng đang chạy đua phá đáy đưa lãi suất từ 9,99% xuống 8% rồi còn 5,91%/ năm cùng với đó là các gói ưu đãi hàng ngàn tỷ đồng.
Quan sát trên thị trường, nhiều chuyên gia đã nhận định, chưa năm nào lãi suất lại giảm nhanh và mạnh như năm 2013, mặt bằng lãi suất hiện hành đã gần ngang bằng với mức lãi suất của 10 năm trước. Năm 2012 nền kinh tế phải trả lãi 20 tỷ USD với mức lãi suất trước đây. Bây giờ, lãi suất giảm 50%, đầu tiên cái lợi của nền kinh tế đã giảm một nửa chi phí tài chính phải trả.
Chuyên gia kính tế Vũ Đình Ánh cho rằng, hiếm khi nào mặt bằng lãi suất cho vay lại thấp và hấp dẫn như vậy. Điều này đã phản ánh giá vốn vay đã rẻ hơn trước rất nhiều, lãi suất đã giảm nhanh và mạnh bởi vậy câu chuyện lãi suất giờ không phải là nỗi ám ảnh đối với nhiều DN. Mức lãi suất trung bình cho vay hiện nay đã ngang bằng năm 2005.
Quan sát qua nhiều giai đoạn của chính sách tiền tệ trong nhiều chục năm qua, ông Trần Du Lịch cho biết, vừa kiềm chế được lạm phát vừa giảm được lãi suất, tước đây hai việc đấy ngược nhau là muốn chống lạm phát thì phải tăng lãi suất nhưng nay chống được lạm phát nhưng lại giảm được lãi suất cho nền kinh tế.
Ngọc Sơn