Không quen với chính trường đầy rẫy những cạm bẫy, nữ phó thủ tướng đầu tiên của
nước CHND Trung Hoa Ngô Quế Hiền lại nộp đơn quay trở về Thiểm Tây làm việc.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Đường thành phó thủ tướng của cô thợ dệt (II)
Đường thành phó thủ tướng của cô thợ dệt
Tháng 4 năm 1988, đoàn khảo sát Thâm Quyến do chủ tịch thành phố Châu Duyệt Ninh
làm trưởng đoàn tới Thiểm Tây khảo sát, trong đó có phó giám đốc tập đoàn ngoại
thương Thâm Quyến Lý Thuỵ Vinh. Doanh nghiệp quốc doanh của ông Lý đã hợp tác
với doanh nghiệp Hong Kong để thành lập công ty Hồng Hoa. Ông Lý muốn công ty
Hồng Hoa trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu về dệt nhuộm và may mặc
nên đã tìm đến nhà máy bông sợi quốc gia Tây Bắc để học hỏi.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong nhà máy, Ngô Quế Hiền được chọn làm hướng
dẫn viên cho đoàn khảo sát. Trong lúc trò chuyện, đoàn khảo sát đã có nhã ý mời
bà về Thâm Quyến làm việc. Mặc dù đã khéo léo từ chối vì đã quen làm việc ở
Thiểm Tây, nhưng cuối cùng bà cũng bị những lời mời quá nhiệt tình của các vị
khách phương xa cùng với sự động viên của chồng thuyết phục. Thâm Quyến là một
thành phố trẻ xinh đẹp, nhịp sống sôi động và có tốc độ phát triển hơn so với
Thiểm Tây.
Tháng 6 năm 1988, Ngô Quế Hiền cùng chồng đã nhận lời mời của các vị khách tới
Thâm Quyến tham quan. Tới Thâm Quyến, vợ chồng Ngô Quế Hiền không chỉ tham dự
festival vải lần thứ nhất mà còn tới thăm công trường xây dựng xưởng dệt nhuộm
Hồng Hoa. Tận mắt chứng kiến một nhà máy đang sắp hoàn thành, các thiết bị máy
móc cũng đã nhập từ nước ngoài về nhưng vẫn thiếu một đội ngũ lao động tay nghề
cao cũng như những chuyên gia kỹ thuật thành thạo nên vợ chồng Ngô Quế Hiền đã
quyết định "nam tiến". Hai người đã quay trở lại Thiểm Tây để hoàn tất các giấy
tờ, thủ tục rồi mới tới Thâm Quyến nhận việc.
Ngô Quế Hiền được giao làm phó tổng giám đốc công ty dệt nhuộm Hồng Hoa, có
nhiệm vụ tới Tây An (Thiểm Tây) để tuyển nhân công. Chỉ trong vòng 10 ngày, bà
đã tuyển được 108 người từ công nhân, nhân viên kỹ thuật tới quản đốc cho cả 3
xưởng dệt. Ngoài ra, bà còn lo bố trí sắp xếp chỗ ăn, ở để đảm bảo cho đời sống
của anh chị em lao động từ xa tới không bị xáo trộn quá nhiều. Nhờ đó mà nhà máy
dệt nhuộm Hồng Hoa đã đi vào hoạt động thuận lợi, năng suất trong những ngày đầu
khá ổn định.
Những năm 80 của thế kỷ trước, dân số thành phố Thâm Quyến còn bị giới hạn nên
người nhập cư rất khó để đăng ký hộ khẩu. Cả một doanh nghiệp ngoại thương vài
ngàn người, mỗi năm cũng chỉ có 3,4 chỉ tiêu đăng ký. Là một lãnh đạo, Ngô Quế
Hiền cảm thấy vô cùng lo lắng khi chưa đăng ký được hộ khẩu cho nhân viên nên
nhiều lần bà đã tới các cơ quan hữu quan để thuyết phục. Vì vậy, phòng nhân sự
thành phố Thâm Quyến đã linh động cho nhà máy Hồng Hoa 25 chỉ tiêu đăng ký hộ
khẩu mỗi năm, huyện Bảo An cũng bị sự tận tuỵ của bà với nhân viên mà đồng ý cho
50 chỉ tiêu đăng ký nhập hộ khẩu vào huyện Bảo An mỗi năm.
Đời sống công nhân được ổn định, năng suất lao động của nhà máy cũng không ngừng
tăng, sản lượng hàng xuất khẩu cũng ngày một nhiều tuy nhiên lại khiến nguồn
nguyên liệu lại rơi vào tình trạng thiếu hụt. Ngô Quế Hiền đã phải đích thân lặn
lội tới tận Tân Cương 9 lần để mua vải. Biết tin Ngô Quế Hiền từ Thâm Quyến tới
Tân Cương, người dân Tân Cương ai nấy đều tỏ ra ngạc nhiên và khâm phục bà, một
điển hình lao động tiên tiến của tổ sản xuất Triệu Mộng Đào, một nữ phó thủ
tướng đầu tiên của Trung Quốc lại không ngại khó, ngại khổ vượt đường xa vì sự
phát triển của nhà máy.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, Ngô Quế Hiền đã tới Thâm Quyến gần 20 năm. Ngoài
niềm say mê với công việc, Ngô Quế Hiền có một gia đình hạnh phúc, một người
chồng thấu hiểu và biết chia sẻ. Các con của bà cũng đã thành đạt, hiếu thuận
với cha mẹ.
Năm 1998, Ngô Quế Hiền nghỉ hưu, bà bắt đầu tham gia các hoạt động từ thiện, lấy
tiền tích luỹ của mình để ủng hộ vùng bị thiên tai hay những người dân có hoàn
cảnh khó khăn. Trong mắt mọi người, ngọn lửa nhiệt huyết của cô công nhân nhà
máy bông sợi ngày nào vẫn luôn cháy mãi trong Ngô Quế Hiền.
Sầm Hoa (Theo people.com.cn)