Một cựu quan chức Cục đường sắt Hohhot tại Khu tự trị Nội Mông đã nhận án tử hình, nhưng hoãn thi hành án hai năm vì tội nhận hối lộ hơn 130 triệu NDT (21,48 triệu USD).
TIN BÀI KHÁC:
Mã Tuấn Phi |
Tòa án Nhân dân Hằng Thủy, tỉnh Hà Bắc đã tuyên án Mã Tuấn Phi, cựu phó giám đốc Cục đường sắt của Hohhot, vào hôm 26/12, Global Times trích phán quyết bằng văn bản của tòa án.
Ông Mã, 48 tuổi, đã nhận khoảng 75 triệu NDT tiền hối lộ và 63 triệu NDT khác từ các nguồn không xác định kể từ khi trở thành cục phó phụ trách vấn đề vận tải vào tháng 8/2009, phán quyết cho biết.
Wang Hongmei, giám đốc Tập đoàn Năng lượng Yihe tại Nội Mông đã đút lót Mã 14 lần, tổng cộng 8,8 triệu NDT.
Mã cũng đã nhận chục ngàn tới hàng triệu nhân dân tệ từ ít nhất 40 công ty khai khoáng hoặc điện năng tới từ Nội Mông và các tỉnh khác.
Một người thân cận với Mã tiết lộ với phóng viên tờ China Business News rằng hai ngôi nhà của ông ta ở Hohhot và Bắc Kinh chứa đầy tiền và vàng.
Đường sắt đóng một vai trò quan trọng trong vận chuyển than đá và các mặt hàng khác tại khu tự trị Nội Mông, một khu vực sản xuất than đá chính của Trung Quốc.
Cục đường sắt quyết định cách thức vận chuyển để mang lại cơ hội sinh lời cho các quan chức, Wang Mengshu, một chuyên gia tại Đại học Giao thông Bắc Kinh giải thích với tờ Global Times hôm thứ Năm (2/1).
Theo một nguồn tin thân cận với Cục đường sắt, số liệu thống kê tháng 9/2012 cho thấy các tuyến đường sắt dưới sự quản lý của Cục có thể vận hành được 7.600 lượt toa tàu mỗi ngày, ít hơn 10.000 lượt toa so với nhu cầu.
Sự chênh lệch giữa cung và cầu quá lớn, Wang nói, đồng thời nhấn mạnh rằng chưa bao giờ có đủ số xe lửa để đáp ứng nhu cầu.
Cùng lúc, lợi nhuận về than đá trong mùa cao điểm đã kích thích nhiều chủ doanh nghiệp hối lộ các quan chức đường sắt.
Mã là một trong số những quan chức đường sắt cấp cao liên quan tới một loạt bê bối tham nhũng, theo sau cựu bộ trưởng đường sắt Lưu Chí Quân, người đã phải nhận án tử hình vì tham nhũng và lạm dụng chức quyền vào tháng Bảy năm 2013.
Sầm Hoa (Theo Sina)