- Để xác lập chủ quyền quốc gia trên đường biên chính xác tuyệt đối, thành viên đoàn cắm mốc đã trải qua muôn vàn khó khăn, có người hy sinh.

Cắm được một cột mốc trên biên giới, các lực lượng chức năng phải phối hợp triển khai rất nhiều công đoạn trên thực địa. Đó là: Khảo sát đơn phương xác định tuyến đường công vụ đến khu vực cắm mốc và xác định sơ bộ vị trí mốc; Rà phá bom, mìn trên thực địa;

Khảo sát song phương xác định chính xác vị trí cắm mốc; Thiết kế, làm đường công vụ, vận chuyển cột mốc và vật liệu xây dựng đến vị trí cắm mốc; Cắm mốc trên thực địa;

Đo đạc các thông số kỹ thuật và lập hồ sơ pháp lý song phương từng cột mốc. Ngoài ra, trong quá trình cắm mốc trên thực địa, có thể tiến hành kiểm tra đơn phương hay song phương một số cột mốc.

{keywords}

Đội liên hợp cắm mốc Việt - Lào. Ảnh: Báo Quảng Nam

Hai nước Việt - Lào có tuyến biên giới dài hơn 2.000km nhưng lại chỉ có 199 vị trí mốc, mật độ mốc quá thưa, nhiều mốc giới xuống cấp. Do đó, lãnh đạo hai nước đã thống nhất phối hợp thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt - Lào (2008-2013).

Giữa thời bình mở đường phá bom

Trong quá trình thực hiện, hai bên đã huy động trên 1.000 người, chưa kể hàng nghìn người khác trong lực lượng thi công, xây dựng mốc. Các lực lượng cắm mốc phải làm hàng nghìn km đường công vụ để vận chuyển trên 5.000 tấn nguyên vật liệu; băng rừng trèo đèo lội suối hàng chục, thậm chí là hàng trăm km mới tiếp cận được vị trí mốc.

Đã có một số cán bộ, chiến sỹ VN hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Sau chiến tranh, ở khu vực biên giới hai nước còn chưa trong lòng đất, khe núi, đáy sông hàng tấn bom mìn, thuốc nổ có thể phát nổ bất kỳ lúc nào. Lực lượng công binh, bộ đội biên phòng phải tiến hành rà phá bom mìn.

Có những khu vực như Điện Biên, Nghệ An, Quảng Nam... khi xây dựng cắm mốc giới phải mở hàng km đường để vận chuyển; có những mốc phải hành quân trên 30km đường rừng núi mới tiếp cận, vận chuyển nguyên liệu tới vị trí mốc.

Hay ở Sơn la, nhiều cột mốc nằm trên độ cao 1.800m. Việc mang phiến đá làm cột mốc nặng tới nửa tấn (mốc trung có trọng lượng 500kg, mốc tiểu là 300kg) cộng với gần 10 mét khối bê tông gia cố móng lên đỉnh núi cao là một kỳ công.

Có lúc, đội cắm mốc phải đi bộ 3-4 ngày từ trung tâm xã tới vùng biên, thậm chí mất hàng tuần mới đưa được cột mốc đến vị trí tập kết.

Tại phía tây Nghệ An - điểm đầu của dãy Trường Sơn địa hình nhiều núi cao, vách dựng đứng, các mốc giới cần tăng dày, tôn tạo đều nằm ở vị trí hiểm trở. Ngay cả việc khảo sát vị trí cắm mốc cũng đã mất nhiều thời gian vì rừng sâu khó thu được tín hiệu định vị GPS.

{keywords}

Dựng cột mốc phải chính xác từng milimet. Ảnh: QĐND

Lợi ích dân tộc

Trong những ngày trường chinh vượt rừng núi, đội công tác hai nước còn vấp phải những hoạt động chống phá, kích động đồng bào dân tộc thiểu số ngăn cản việc thi công, xây dựng mốc. Lực lượng thổ phỉ thường xuyên có các hành vi gây nguy hại cho công tác bảo vệ cột mốc cũng như an toàn lực lượng.

Họ cũng phát hiện ra hàng chục vị trí mốc có sự sai khác giữa các tài liệu pháp lý, bản đồ và địa hình trên thực địa. Nhiều thời gian, công sức khảo sát, các cuộc trao đổi đàm phán lại diễn ra để thống nhất phương án xử lý.

"Đây là công việc nhạy cảm liên quan tới đất đai, chủ quyền lãnh thổ, tới lợi ích quốc gia dân tộc", ông Nguyễn Anh Dũng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia chia sẻ.

Kết quả là, sau hơn 5 năm triển khai, đến nay, hai nước Việt - Lào đã chính thức hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới trên thực địa.

Đây là minh chứng thuyết phục cho việc hai bên đã giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ trên cơ sở thương lượng bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau, hợp tác cùng phát triển, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Tại đại hội thi đua yêu nước sáng nay do Bộ Ngoại giao tổ chức, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia đã báo cáo việc hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt - Lào.

Cũng tại đại hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Ủy ban Biên giới quốc gia.

Thái An