Cầu Thủ Thiêm 2 có tổng mức đầu tư 4.260 tỷ đồng, theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), nối quận 2 với quận 1.
Công trình nghìn tỷ này do Công ty CP Đại Quang Minh làm chủ đầu tư, khởi công vào tháng 2/2015, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2018. Tuy nhiên, đến nay đã quá hẹn hoàn thành hơn 1 năm, công trình vẫn đang dang dở.
Hiện trạng dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 đã hơn 4 năm vẫn chưa hẹn ngày về đích |
Theo thiết kế, cầu Thủ Thiêm 2 có tổng chiều dài là 1,4km trong đó phần cầu dài 885m, được thiết kế kiểu dây văng với trụ tháp chính có hình dáng cầu Rồng cao 113m, nghiêng về phía Thủ Thiêm.
Cầu nối 2 quận 1 và 2. Điểm đầu là giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn, điểm cuối kết nối vào tuyến Đại lộ Vòng cung (R1 - trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm).
Ghi nhận tại dự án, phía quận 1 hiện đã rào chắn một phần trên đường Tôn Đức Thắng để nhà thầu thi công các trụ cầu. Phía quận 2 hiện đã thi công phần đường dẫn, các trụ cầu đã thi công đến giữa sông Sài Gòn.
Theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM mới đây, việc bồi thường giải phóng mặt bằng phía quận 1 thực hiện rất chậm.
Cụ thể, vẫn còn 6 hộ dân và 4 tổ chức chưa bàn giao mặt bằng. Phần này lại là nơi thi công 2 nhánh cầu chính để kết nối trụ tháp dây văng. Do đó, tiến độ thi công không đảm bảo theo hợp đồng đã ký kết.
Cuối tháng 5 vừa qua, Sở đã họp với nhà đầu tư để rà soát tiến độ và tổng hợp các khó khăn vướng mắc để kiến nghị tháo gỡ.
Cầu Thủ Thiêm 2 không chỉ được kỳ vọng sẽ giải tỏa áp lực giao thông ở phía Đông với trung tâm TP.HCM mà còn là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM |
Trao đổi với PV VietNamNet, đại diện chủ đầu tư cho biết, vướng mặt bằng khiến dự án bị chậm tiến độ nên đơn vị chưa định được ngày ‘cán đích’.
“Nếu chính quyền TP.HCM bàn giao mặt bằng đúng thời hạn thì dự kiến hợp long cầu vào 30/4/2020 và đưa vào khai thác từ 2/9/2020”- vị đại diện nói.
Theo Sở GTVT, hiện khu vực phía Đông TP đang bị quá tải về giao thông, trong đó cả trục đường chính từ phía Đông ra vào trung tâm TP như xa lộ Hà Nội qua cầu Sài Gòn, đi đường Mai Chí Thọ qua hầm Thủ Thiêm hoặc đi theo đường Phạm Văn Đồng qua cầu Bình Lợi/Bình Triệu đều kẹt xe vào giờ cao điểm.
Kẹt xe nghiêm trọng trên cầu Thủ Thiêm 1 do ảnh hưởng của sự cố tai nạn ở hầm Thủ Thiêm |
Đặc biệt, theo hướng qua hầm Thủ Thiêm, hiện lưu lượng tăng cao đột biến. Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn đã phải đưa ra nhiều giải pháp bố trí lại làn xe lưu thông qua hầm, trong đó có biện pháp cưỡng bức làn xe ô tô để dành riêng cho xe máy lưu thông khi xảy ra ùn tắc.
Sở GTVT nhận định, cầu Thủ Thiêm 2 là dự án hạ tầng giao thông quan trọng của TP.HCM, khi hoàn thành 2 sẽ góp phần giải tỏa áp lực giao thông.
Theo đó, UBND TP đã có chủ trương chọn Vinaconex làm chủ đầu tư thực hiện dự án nhưng sau đó giao lại cho Công ty cổ phần Đại Quang Minh, đồng thời thay đổi quy mô cầu từ 4 thành 6 làn xe nhưng không báo cáo Thủ tướng là không thực hiện đúng quy định.
Đặc biệt, lựa chọn nhà đầu tư khi chưa có báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, chưa xem xét kỹ đến các điều kiện về năng lực, kinh nghiệm.
UBND TP phê duyệt với tổng mức đầu tư 4.260 tỷ qua thanh tra phát hiện một số khoản chi phí không đúng quy định với tổng giá trị hơn 252 tỷ đồng.
Vụ Thủ Thiêm: Đề nghị xử lý cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý
Thanh tra Chính phủ chuyển kết luận thanh tra đến UB Kiểm tra TƯ xem xét, xử lý theo thẩm quyền với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến vi phạm.
Tuấn Kiệt