- Qua bàn tay của một loạt các đạo diễn trẻ, đa phần là Việt kiều, Duyên dáng đã trở lại với một diện mạo hoàn toàn mới.

Trong buổi họp báo giới thiệu Duyên dáng Việt Nam lần thứ 26, chia sẻ về việc phải tạm dừng một thời gian dài, BTC cho biết bên cạnh những khó khăn về kinh tế thì nguyên nhân chính là thiếu ý tưởng. Họ chỉ quyết định thực hiện trở lại chương trình khi đã có những sự đổi mới mang tính đột phá.

Khi đó, dù mới chỉ là thông tin trên giấy, nhưng những sự thay đổi cũng đã khiến cho không ít người có mặt cảm thấy hoang mang. Bởi việc đặt Duyên dáng vào tay của bốn đạo diễn trẻ, trong đó có tới ba người Việt kiều rõ ràng là một điều mạo hiểm.

{keywords}

Duyên dáng Việt Nam 26 có nhiều thay đổi

Tuy nhiên rất may, mọi chuyện đã không diễn ra theo chiều hướng xấu. Dù vẫn chưa thể khẳng định rằng đêm diễn có thành công hay không bởi suy nghĩ của khán giả là khác nhau nhưng sự hưng phấn, kinh ngạc và thích thú thì chắc hẳn là ai cũng có.

Với sự tham của tới bốn đạo diễn như đã nói ở trên, kết cấu của chương trình được chia ra làm bốn phần rõ rệt với những câu chuyện cũng như cách kể chuyện hoàn toàn khác nhau.

Linh Rateau là người mở màn đêm diễn. Kể câu chuyện về một cô gái lần đầu tiên trở về quê hương, đạo diễn người Pháp gốc Việt này đã mang đến một góc nhìn vô cùng mới mẻ và thú vị về Việt Nam. Thông qua những ngôn ngữ nghệ thuật đậm chất Pháp như múa đương đại hay các điệu nhảy jazz, free style đặc trưng, cô đã mang đến cho khán giả một Việt Nam trẻ trung, thân thiện và dồi dào năng lượng.

{keywords}

Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn góp mặt ở phần 1 bên cạnh các vũ công

Vừa mới trải qua những giấy phút tương đối phấn khích ban đầu, khán giả đã lại nhanh chóng được “làm mát” bằng một bầu không khí trong lành của lúa mới, của khói lam chiều, của cả một làng quê thanh bình... Đây cũng chính là phần 2 của chương trình được dàn dựng bởi bàn tay của biên đạo Tấn Lộc.

Mang lên sân khấu một trích đoạn của vở múa Sương sớm với sự xuất hiện của các giọng ca nổi tiếng dòng nhạc quê hương như Quang Linh, Hương Lan hay Elvis Phương, Tấn Lộc đã đưa không ít khán giả có mặt tại nhà hát Hòa Bình được trở lại với nơi mà họ đã sinh ra và lớn lên.

{keywords}

Hình ảnh làng quê được tái hiện trên sân khấu của bàn tay của biên đạo Tấn Lộc

Ở phần kế tiếp, với ngôn ngữ chính là Hip Hop, Tuấn Andrew Nguyễn lại chia sẻ với người xem một phiên bản Việt Nam “remix” vừa hiện đại, lại vừa rất truyền thống. Anh kết hợp đàn bầu, đàn tranh với beat box. Anh để cho các vũ công thể hiện những bước nhảy đường phố trên nền nhạc dân tộc.

Thậm chí, đạo diễn người Mỹ gốc Việt này còn làm mới lại ca khúc Tình ca nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy bằng một bản phối vô cùng hiện đại qua giọng hát đầy cảm xúc của Nguyên Thảo. Và tất cả những phần trình diễn này đều đã chinh phục được toàn bộ khán giả, kể cả những người khó tính nhất.

{keywords}

Nguyên Thảo hát Tình ca bên cạnh beat boxer

Cuối cùng, đạo diễn Tuấn Lê khép lại chương trình bằng Làng tôi, một vở xiếc tạp kỹ mà anh đã từng mang đi lưu diễn khắp nơi trên thế giới. Chỉ với đạo cụ duy nhất là cây tre, thế nhưng các nghệ sĩ xiếc đã khiến cho người xem cảm thấy bất ngờ trước những phần trình diễn giàu tính sáng tạo.

Được kết hợp hài hòa với âm thanh, ánh sáng cùng tiếng hát của các ca sĩ Lệ Quyên, Thùy Chi, ca nương trẻ Kiều Anh, Làng tôi giống như một vở nhạc kịch hình thể hơn là một tiết mục xiếc thuần túy. Trong đó, hình ảnh về một Việt Nam mộc mạc, giản dị nhưng vẫn chưa đựng không ít điều bất ngờ đã được tái hiện một cách chân thực.

{keywords}

Vở xiếc Làng tôi của đạo diễn Tuấn Lê

Quả thực, dù gần như không liên quan cả về hình thức thể hiện lẫn nội dung truyền tải, thế nhưng khi được liên kết với nhau bằng một sợi dây có tên Thương quá Việt Nam, tất cả đã cùng tạo nên một bức tranh vô cùng sinh động về đất nước và con người Việt Nam ngày hôm nay.

Sau đêm diễn mở màn, Duyên dáng Việt Nam sẽ còn một suất nữa vào tối 11/1 cũng tại Nhà hát Hòa Bình. Ngoài ra, vở xiếc Làng tôi sẽ được tách ra trình diễn riêng một ngày sau đó.

Linh Phạm