- Xem clip quay “Lò luyện thi ê a”, tôi có cảm giác, đây không phải là lò luyện thi
bình thường, mà là một lò luyện thi “thần thánh”.
Cái cảnh hàng ngàn người (sĩ tử) chú tâm vào đọc đồng thanh một bài văn mẫu, theo nhịp của giáo viên, giống với cái cảnh đọc kinh cứu rỗi. Bài văn mẫu ở đây không còn là bài văn mẫu nữa. Nó cao siêu và thần bí đến nỗi, các tín đồ chỉ có một việc là “tự kỷ ám thị” cho nó thấm vào trong người-thuộc lòng như vẹt cũng được, nhiều chừng nào hay chừng đó.
Lớp học tại trung tâm sáng 19/6. Ảnh: Phong Đăng |
Ai càng “thấm nhuần”, thể hiện trình độ “giác ngộ” càng cao, công năng càng lớn, cơ hội đỗ ĐH càng nhiều. Cái cách tiếp nhận lời giảng của cô không giống như lời giảng của một giáo viên bình thường, mà nó “sùng kính”, giống tiếp nhận như lời giảng của Cha đạo bên Thiên Chúa Giáo hay Sư thầy bên Đạo Phật.
Nếu xem xét lò luyện thi này dưới góc độ của “Người trần mắt thịt”, ta thấy nó có nhiều thứ mâu thuẫn với “Đời thường”.
Thứ nhất, không có lớp học nào mà sĩ số học sinh lên đến 600. Lớp học bình thường hiện nay trung bình có sĩ số 45, thế mà các giáo viên còn kêu ca rằng lớp đông quá, không thể đổi mới phương pháp dạy học được, đòi hạ xuống còn 25-30. Lớp học có sĩ số 100 trên các trường ĐH cũng bị báo chí và các giảng viên lên tiếng quá nhiều.
Cũng có khi học sinh tập trung lên đến hàng ngàn trong các buổi lễ chào cờ, khai giảng, bế giảng...nhưng đây là các buổi lễ, chứ không phải là các buổi học. Vậy cớ gì lò luyện thi này có sĩ số xấp xỉ bằng 30 lớp học bình thường lại dạy tốt, học tốt (có nhiều học sinh đỗ ĐH, nhiều học sinh yêu mến,...) như lời cô nói?
Thứ hai, lớp học không cần ghi chép (học sinh ngoài hành lang thấy gì đâu mà ghi, ngoài xa thấy gì mà ghi), chỉ cần đọc thuộc bài văn mẫu có sẵn, đọc đồng thanh theo bài văn, nghe giảng về bài văn đó... là xong, là có thể đỗ ĐH.
Nếu điều này là chuẩn, thì Bộ GD-ĐT sẽ tiết kiệm được không biết bao nhiêu tỷ tiền trang bị bảng và phấn cho tất cả các lớp học trên cả nước Còn học sinh thì tiết kiệm được tiền mua vở, viết, cặp...
Thứ ba, học liên tục 5 tiết liền (dẫu có giải lao đi giữa các tiết nữa) cũng là điều “phi thường” đối với lớp học bình thường. Theo Bộ, môn Văn và Toán thì học tối đa 2 tiết, thậm chí có người còn muốn tách riêng ra nữa. Ông hiệu phó trường tôi còn “canh me” thời khóa biểu sao cho trong một buổi học 4 đến 5 tiết không hoàn toàn là môn xã hội, hoặc là môn tự nhiên. Nghĩa là trong một buổi học thì có cả môn tự nhiên và xã hội.
Thế còn chưa hết, ông còn phân cách ra, ví dụ học Văn ngày thứ hai thì thứ ba không học Văn nữa. Ông bảo như thế để học sinh có thời giam “thấm”. Học một buổi một môn như là luyện thi này là chuyện đầu tiên trong đời dạy học hơn 25 năm nay tôi mới thấy!
Với những điều “phản giáo dục-so với đời thường” như trên mà lớp học vẫn thu hút học sinh vào học đông đảo (sĩ số lớp 600-1000), học tập rất có hiệu quả (nhiều học sinh đậu ĐH, có học sinh là thủ khoa của Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội năm 2012,...), giáo viên được học sinh kính mến, thương yêu (cô giáo nói “học vấn không có quê hương nhưng người học cần có tổ quốc” mà cả lớp vỗ tay dành tặng tôi như với ca sĩ),... thì chắc chắn đây là một lò luyện thi “thần thánh”!
- Đào Văn (Phú Yên)