Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, yếu tố công nghệ được các nhà băng đặt lên hàng đầu để tạo nên sự khác biệt và gia tăng cao nhất những tiện ích cho khách hàng.

360o tiện ích ngân hàng


Các sản phẩm dịch vụ ngân hàng những năm gần đây đã phát triển mạnh mẽ, được phân phối đến khách hàng một cách nhanh chóng, trực tuyến, liên tục 24h/ngày và 7 ngày/tuần. Những dịch vụ này không phụ thuộc vào không gian và thời gian, thông qua kênh phân phối điện tử internet và các thiết bị truy cập đầu cuối khác như máy tính, máy ATM, POS, điện thoại để bàn, điện thoại di động… (dịch vụ e–banking).

{keywords}

Dịch vụ e-banking đáp ứng nhu cầu tài chính của khách hàng gần như ngay lập tức. Từ việc thanh toán các hóa đơn hàng tháng cho điện, điện thoại… cho đến việc mua sắm hàng hóa qua các cổng thanh toán điện tử, mua vé máy bay, đặt khách sạn… Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hay một máy tính có nối mạng, qua vài cái click chuột là nhu cầu của người tiêu dùng được đáp ứng nhanh chóng. Việc phải đến giao dịch trực tiếp tại các chi nhánh được giảm thiểu tối đa.

Người tiêu dùng còn có thể gửi tiết kiệm và vay online mà không phải đến tận phòng giao dịch để được phục vụ. Hay khi có nhu cầu sử dụng tiền mặt, chuyển tiền mặt cho người thân ở quê nhà…, người dùng có thể được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng mà không cần có sự hiện diện của chiếc thẻ ATM.

Có thể nói đó là một cuộc cách mạng dành cho người sử dụng dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam. Ngoài ra, số lượng người dùng internet tại Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng, chưa kể, những thao tác giao dịch qua e-banking khá đơn giản, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian của khách hàng lẫn ngân hàng, là những cơ sở đảm bảo cho tiềm năng phát triển e-banking tại Việt Nam.

Ngân hàng Việt nắm bắt cơ hội


Điểm qua thị trường, có thể thấy dịch vụ internet banking, mobile banking… được rất nhiều ngân hàng triển khai. Nhưng có nơi, khách hàng chỉ thực hiện được những thao tác đơn giản như kiểm tra tài khoản, chuyển khoản, có nơi thì rất nhiều loại giao dịch mà trước đây phải đến phòng giao dịch để thực hiện thì nay có thể hoàn tất chỉ trong vài phút với chiếc máy tính nối mạng. Ngay cả chiếc máy ATM cũng thế. Có máy có thể chuyển tiền liên ngân hàng, thanh toán thẻ tín dụng, phí bảo hiểm, tiền điện, đăng ký sử dụng dịch vụ…nhưng nhiều máy khác lại không thể.

Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, yếu tố công nghệ được các nhà băng đặt lên hàng đầu để tạo nên sự khác biệt và gia tăng cao nhất những tiện ích cho khách hàng của mình. Trên thực tế, để công nghệ thực sự là điểm mạnh vượt trội và mang đến nhiều tiện ích hiện đại cho người tiêu dùng thì không phải nhà băng nào cũng có thể đáp ứng. Điều khó khăn ở sân chơi này chính là cần một nguồn tài chính thật lớn và duy trì liên tục. cùng đội ngũ nhân sự thiện chiến nhiều kinh nghiệm để có thể đưa các ứng dụng công nghệ vào thực tế, mang đến lợi ích thực sự cho người tiêu dùng.

Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, những ngân hàng có tầm nhìn xa vẫn liên tục đầu tư xây dựng và duy trì nền tảng công nghệ hiện đại.

Ông Phùng Quang Hưng, GĐ Khối Vận hành và Công nghệ của NH Techcombank, một trong những ngân hàng hàng đầu về lĩnh vực công nghệ ở thị trường Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi xem công nghệ là một phần cốt lõi của chiến lược kinh doanh và chúng tôi đã cam kết tập trung mọi nguồn lực để phát triển lĩnh vực này, tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững. Ngoài mức đầu tư trung bình 15 triệu USD mỗi năm liên tục trong suốt nhiều năm qua cho công nghệ, ngân hàng còn chú trọng phát triển con người với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ các ngân hàng hàng đầu ở Việt Nam và thế giới”.

Xây dựng nền tảng công nghệ hiện đại làm cơ sở phát triển các dịch vụ ngân hàng tiên tiến như e-banking là một chiến lược phát triển bền vững của ngân hàng. Đối với các ngân hàng thương mại quốc tế trong khu vực và trên thế giới có tiềm lực về vốn mạnh và uy tín cao thì thông thường lợi nhuận thu được từ các hoạt động dịch vụ của các ngân hàng này chiếm khoảng 40%-50% trong tổng thu nhập. Các ngân hàng Việt Nam trong chiến lược tái cấu trúc hoạt động, tất yếu sẽ đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực dịch vụ để theo kịp xu hướng này.

Với chiến lược đầu tư, mạnh mẽ và nhất quán, mới đây Ngân hàng Techcombank đã trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng eAsia Awards 2013 - “Giải pháp thương mại điện tử nhằm thu hẹp khoảng cách số” vì những nỗ lực trong việc nghiên cứu, cải tiến dịch vụ thanh toán và các kênh giao dịch điện tử do Hội đồng châu Á - Thái Bình Dương về thuận lợi hóa thương mại và kinh doanh điện tử (AFACT) trao tặng.


Doãn Phong