Bán khóa học 2.000$, nhận hoa hồng 1.600 USD
Vài tháng trở lại đây, dự án Edunetwork đang tạo nên cơn sốt trong cộng đồng nhà phát triển các khóa học trực tuyến. Dự án giáo dục này được thành lập tháng 11/2019 tại Singapore. Ngay sau đó, Edunetwork được đưa về Việt Nam và phát triển bởi một nhóm người Việt.
Theo giới thiệu trên website của dự án, Edunetwork là nền tảng mạng lưới giáo dục toàn cầu. Dự án này được quảng cáo là nơi giúp người học tìm hiểu, phát triển các kỹ năng tiếp thị và các kiến thức phục vụ cho hành trình khởi nghiệp.
Tuy được giới thiệu là nền tảng mạng lưới giáo dục toàn cầu, trên website của Edunetwork chỉ hỗ trợ 2 ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Việt. |
Hoạt động kinh doanh chính của Edunetwork là bán các khóa học online với nhiều mức giá khác nhau, từ 50 USD, 200 USD, 500 USD, 1.000 USD cho tới 2.000 USD.
Theo ghi nhận của Pv. VietNamNet, chỉ sau một thời gian ngắn có mặt tại Việt Nam, Edunetwork đã sở hữu một cộng đồng đông đảo với hơn 24.000 thành viên đang hoạt động. Sở dĩ Edunetwork phát triển nhanh đến vậy là bởi cách làm marketing khiến nhiều người không thể tin nổi.
Thay vì phát triển bộ phận marketing, website giáo dục này hướng dẫn người học của mình chào mời người mới tham gia. Với mỗi thành viên tham gia, người bảo trợ sẽ được hưởng chiết khấu tới 80% giá trị khóa học.
Điều kiện duy nhất mà Edunetwork đưa ra là người bảo trợ phải từng là học sinh trong mạng lưới. Họ chỉ được hưởng hoa hồng khi môi giới các khóa học có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng khóa mà mình đã theo học.
Mức chiết khấu cao đến vô lý mà người bán khóa học Edunetwork có thể nhận được. |
Theo cách giải thích của những người được giới thiệu là “thủ lĩnh Edunetwork”, sở dĩ website này có thể duy trì mức chiết khấu cao đến vậy bởi thay vì tự sản xuất, họ chỉ cần mua bản quyền video khóa học.
Do được triển khai trên môi trường online, một video của Edunetwork có thể bán được cho hàng nghìn người khác nhau. Chính vì vậy, dù chỉ thu về 20% tiền bán khóa học, công ty này vẫn làm ăn có lãi.
Với hình thức học online, các khóa học do Edunetwork cung cấp có giá không hề rẻ. Tuy nhiên, bất chấp khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19, quy mô của dự án này lại đang ngày càng mở rộng. Nguyên nhân là bởi, thay vì bỏ tiền mua kiến thức, các học sinh của Edunetwork mua khóa học với mục đích chủ yếu nhằm đủ điều kiện “ăn” chiết khấu.
Dấu hiệu đa cấp trong phương thức kinh doanh của Edunetwork
Để tìm kiếm học viên, Edunetwork ra chính sách trả hoa hồng 80% cho các học viên giới thiệu người mới tham gia khóa học. Sức hấp dẫn của mô hình kinh doanh này còn nằm ở chỗ, người giới thiệu sẽ nhận được hoa hồng gián tiếp từ cả những người ở hệ thống tuyến dưới.
Chính sách này được biết đến với tên gọi “hoa hồng trả ơn”. Theo đó, người giới thiệu (hay người bảo trợ theo cách gọi của Edunetwork) sẽ nhận được hoa hồng từ một nhánh của các thành viên F1.
Số tiền khổng lồ từ việc bán khóa học luôn được các "thủ lĩnh Edunetwork" trưng ra để tìm kiếm thêm thành viên mới. |
Theo quy định của Edunetwork, người bán khóa học phải nhường một phần hoa hồng của mình cho thành viên tuyến trên. Đó là hoa hồng từ vị khách hàng thứ 2, người sở hữu giá trị khóa học đồng cấp với người bán.
Chính sách này được quảng cáo là nhân văn bởi nó như một món quà mà những người tham gia sau dành tặng cho những người đã giới thiệu họ. Theo các “thủ lĩnh Edunetwork", cùng với việc cho đi khách hàng thứ 2, người bán khóa học sẽ nhận lại vô số khách hàng từ các thành viên tuyến dưới.
Dù được giới thiệu dưới cái tên mỹ miều là hình thức tiếp thị liên kết hay Affiliate, về bản chất, mô hình này hoạt động tương tự như hình thức kinh doanh đa cấp.
Các diễn giải về hoạt động kinh doanh đa cấp đã được quy định rõ tại Điều 3, Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, các hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh. Trong trường hợp người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới, hoạt động này được liệt vào kinh doanh đa cấp.
Là một sản phẩm giáo dục, thế nhưng Edunetwork lại được quảng cáo như một dự án kiếm tiền hot nhất 2020? |
Tuy vậy, khi kiểm tra danh sách 21 doanh nghiệp bán hàng đa cấp được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cấp giấy phép hoạt động, không hề có thông tin nào liên quan đến Edunetwork hay Edunetwork Việt Nam.
Chiểu theo các quy định của pháp luật, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm.
Sản phẩm Edunetwork cung cấp là những khóa học được thể hiện dưới hình thức đoạn phim video. Các khóa học này rõ ràng không phải hàng hóa mà chỉ là một loại hình dịch vụ.
Với các quy định trên, có thể thấy Edunetwork đang có những dấu hiệu của hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép. Đó cũng là lý do xuất hiện không ít nghi ngại về việc dự án giáo dục trực tuyến Edunetwork thực chất chỉ là hoạt động bán hàng đa cấp trá hình. Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để sớm điều tra, làm rõ.
Trọng Đạt
Bộ Công Thương cảnh báo về ứng dụng hoàn tiền kiểu đa cấp
Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, một số website, ứng dụng hoàn tiền có dấu hiệu biến tướng theo kiểu bán hàng đa cấp, không rõ ràng và minh bạch về mô hình hoạt động.