- Một điều “kỵ” của những người đi cầu xin con, đấy là khi đã có kết quả thì phải tuyệt đối tin tưởng, không được “báng bổ” hay tắt niềm tin giữa chừng, cũng như không được chán nản mà bỏ cuộc vì em bé chưa chào đời. 'Thầy' dạy, tuyệt đối không được siêu âm, chụp chiếu, không được dụng thuốc Tây và sự can thiệp của khoa học…

“Phải nhẫn nại!”

Có thể, vì những “quy ước”, “cấm kỵ” đó, những người “xin được em bé” đều nhẫn nại chờ đợi. Với họ, thời gian chỉ là sự thử thách. Cho nên, 20 tháng, 30 tháng hoặc hơn thế nữa, họ vẫn kiên trì nhẫn nại.

Chị N. – người được đồn thổi là sinh hạ được em bé đẹp như thiên thần ở xã N.H (huyện Nghĩa Hưng) kể: cũng cái độ rộ lên tin đồn “xin được em bé”, có một vợ chồng ông bà Tây lặn lội sang tận Việt Nam để cầu xin, và cũng được toại nguyện.

Nhưng, sau đó ông bà ấy lại đi siêu âm, chụp ảnh… ở bệnh viện, bác sỹ bảo có một cái bọc lạ trong bụng, không có tim thai, nhịp thai… và họ phải phẫu thuật. Khi mổ ra rồi, trong bọc nước có hình hài một đứa trẻ, hai vợ chồng ông bà Tây ấy ân hận lắm. Ngài đã lấy lại đứa trẻ đã ban cho vợ chồng họ, bởi vì họ đã “tắt” niềm tin giữa chừng.

Bác sỹ kết luận: “Hiện tại siêu âm ổ bụng chưa thấy gì bất thường”.
Câu chuyện ấy được “hội bà bầu” kể cho nhau như một dẫn chứng của việc mất niềm tin. Cũng vì câu chuyện ấy, bao nhiêu “bà bầu” đã âm thầm “ngậm thai” hàng năm trời.

Trở lại câu chuyện của bà N.T.H., xã N.H, huyện Nghĩa Hưng – người đang mang một lúc hai em bé cả trai lẫn gái. Sau khi “tẽn tò” vì lời khẳng định với tôi rằng, bà sẽ chụp được ảnh “bé trai bé gái” trong bụng mình sau khi “làm lễ”, bà hồn nhiên cho tôi xem kết quả siêu âm ổ bụng tổng quát của chính mình tại một cơ sở khám chữa bệnh mở tại xã Nghĩa Hưng.

Kết quả quả siêu âm này được chụp vào ngày 25/2/2011, tức là mới cách đây vài tháng, do bác sỹ siêu âm N.M.Đ (phòng khám Đa khoa Đức Lương, xóm 5, xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định). Theo kết quả này, tất cả các bộ phận nội tạng như màng phổi, gan, túi mật, buồng trứng, tử cung… của bà H. đều… bình thường. Bác sỹ kết luận: “Hiện tại siêu âm ổ bụng chưa thấy gì bất thường”.

Điều này hoàn toàn “phản” lại câu chuyện về niềm tin mà bà H. vẫn đeo bám suốt gần 30 tháng qua, về việc bà được “ban” cho một bé trai, một bé gái. Tuy nhiên, bà H. vẫn cố thanh minh với tôi: “Phải giữ niềm tin con ạ. Nếu như con có đức tin thì mình sẽ được toại nguyện!”.

Tuy nhiên, cũng như nhiều người, bà H. nói phải luôn giữ niềm tin...

Bà N.T.D (xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh) khẳng khái: “Tôi sống ngần này tuổi, cũng là phụ nữ, cũng đã sinh nở, tôi không tin vào chuyện cầu xin được con cái, mà những người phụ nữ đó mang bầu chỉ qua khấn nguyện, hay chỉ qua một cuộc điện thoại với một ông thầy nào đấy. Tôi vẫn tin vào khoa học. Những người đó họ sùng bái thái quá, tôi cho rằng đấy là họ tự huyễn hoặc, lừa dối chính bản thân mình!”.

Bà D. kể, chính bà đã gặp một “bà bầu” và nói với họ rằng, nếu như họ, bằng con đường “mang thai” kiểu đó, bà sẵn sàng hầu hạ họ suốt đời, con cái của bà cũng sẽ hầu hạ họ suốt đời, sau khi bà chết, nếu như họ sinh nở được một đứa bé thật.

Lúc ấy, “bà bầu” kia, cũng là người hàng xóm, láng giềng của bà, tỏ thái độ không thoải mái. Nhưng rồi, vài năm trời “mang bầu” mà không sinh nở, đến ngày cái bụng ấy tự động mà xẹp xuống, chính “bà bầu” ấy cũng “tẽn tò” mỗi lần gặp bà D.

“Em bé” biết… chữa bệnh

Trong những ngày “lang thang” giữa những tin đồn kỳ bí ở Nam Định, tôi còn được nghe câu chuyện của những người dân vùng ven biển xã Nghĩa Thắng kể về câu chuyện “em bé” biết chữa bệnh.

“Em bé” đó là một người phụ nữ ở một làng thuộc tỉnh Ninh Bình giáp với huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). Người phụ nữ hiếm muộn cũng đi xin con cầu tự, và cũng có bầu mấy chục tháng trời nhưng không đẻ.

Kỳ lạ ở chỗ, khi “có mang”, người phụ nữ này bỗng nhiên có khả năng… chữa bệnh, và giọng nói bỗng khác lạ như giọng đứa trẻ vài năm tuổi.

Tiếng lành đồn xa, có thời điểm dân thập phương tìm đến chữa bệnh chật kín. Nhiều người xác nhận là mình đã được chữa khỏi bệnh, chỉ cần bàn tay của “em bé” xoa vào vùng bị thương tích.

Chị Nguyễn Thị Hương, một người thu mua hải sản xã Nghĩa Thắng kể: người bạn hàng của chị ở Ninh Bình tên L. bị liệt chân mấy chục năm nay. Khi nghe tin về “em bé chữa bệnh” đã cơm đùm cơm gói đến cầu cứu.

Cũng chẳng phải thuốc thang gì đặc biệt. “Em bé” chỉ cần lướt qua đôi chân bại liệt của bà L, rồi cho bà về nhà.

Người đầu tiên bà L. gặp, đấy là chồng của mình. Lần đầu tiên trong đời, đôi chân bị chết mấy chục năm nay của bà L. lần đầu tiên run rẩy bước trên mặt đất. Theo thói quen mấy chục năm nay, đi đâu bà L. cũng phải xe đưa xe đón, và ông chồng cũng phải cõng bà khi di chuyển.

Lần này, ông chồng vừa ghé vai, bà L. đã run rẩy đi được vài bước. Sững sờ đến bàng hoàng, hai vợ chồng bà L. ôm nhau khóc vì hạnh phúc…

“Thời kỳ đó đông lắm, toàn khách thập phương tận đẩu tận đâu đến chữa bệnh. Mà đúng là có người khỏi thật. Nhưng không hiểu sao, mấy năm nay “em bé” này đã chuyển đi đâu ở. Nghe người ta nói, hình như “em bé” này vào Thừa Thiên - Huế và vẫn tiếp tục chữa bệnh cứu người…” – chị Hương kể.

Trong câu chuyện của chúng tôi với bà H. – người phụ nữ mang bầu hai em bé 30 tháng ở xã Nghĩa Hùng, khi được hỏi về việc, “hội bà bầu 200 người” đã có ai sinh được con hay chưa, bà H. khẳng định: “Có. Đấy là một chị ở tận trên TP Nam Định. Chị này mới sinh được em bé, sau đó lại tiếp tục “xin” thêm một em bé nữa…”.

Bà H. còn cho tôi số điện thoại di động của chị này. Thế nhưng, khi liên lạc vào số máy mà bà H. cung cấp, chúng tôi chỉ nhận được tín hiệu thuê bao nằm ngoài vùng phủ sóng…

  • Kiên Trung