- “Tôi vô cùng bất ngờ khi một cô gái trẻ, khỏe mạnh thẳng thừng đề nghị sẵn sàng trả thật nhiều tiền để có con mà không phải mang bầu, vượt cạn…”, TS – Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM kể.

Né tránh thiên chức

Bệnh viện Từ Dũ là một trong 3 đơn vị trên cả nước được chọn thí điểm thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.

Đây là một kỹ thuật nhân đạo, đem lại cơ hội có con cho những cặp vợ chồng hiếm muộn do người vợ bị các bệnh lý nội khoa, sản khoa không thể điều trị, hoặc đã thử can thiệp hỗ trợ sinh sản khác nhưng không kết quả.

Thế nhưng không phải ai cũng hiểu đối tượng nào mới được chỉ định mang thai hộ, họ đến bệnh viện đề nghị làm kỹ thuật này chỉ để né tránh thiên chức mang nặng, đẻ đau.

Bác sĩ Tuyết rất bất ngờ khi tư vấn cho một cô gái trẻ. Cô này là trí thức, chưa tới 30 tuổi, sức khỏe hoàn toàn bình thường nhưng tha thiết muốn thực hiện mang thai hộ.

{keywords}
Bác sĩ Diễm Tuyết lưu ý về các đối tượng thuộc chỉ định thực hiện mang thai hộ.

“Em thấy kỹ thuật mang thai hộ rất phù với mình. Em có chồng rồi nên muốn có con. Thế nhưng em rất sợ đau và xấu. Chị gái em trước khi xinh con rất đẹp, vậy mà đẻ xong biến thành con gấu mẹ vĩ đại, da bụng, da đùi rạn hết. Đó còn chưa kể lúc mang thai nặng nề, ốm nghén, ói mửa, công việc bị gián đoạn. Cứ nghĩ tới đó em lại kinh hãi. Bác sĩ cho em thực hiện mang thai hộ, tiền bạc không thành vấn đề”, cô gái trẻ đề nghị.

Khi nghe người phụ nữ nói, bác sĩ Tuyết rất sốc, cố gắng bình tĩnh khuyên nhủ: “Em không thuộc diện được chỉ định thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Nhiều người phụ nữ muốn được mang thai. Họ tìm đủ mọi cách chữa trị, tốn kém tiền bạc nhưng không được. Cực chẳng đã họ mới phải thực hiện mang thai hộ như giải pháp cuối cùng. Thế mà em, hoàn toàn khỏe mạnh nhưng lại né tránh thiên chức. Em phải mang nặng, đẻ đau, khi sinh con ra mẹ con mới có sự gắn kết. Còn nếu em coi con như cái túi, đeo vào vướng víu, nặng nề thì tức là em chưa sẵn sàng để làm mẹ…”

Chỉ 10% bệnh nhân đủ điều kiện

Các trường hợp tìm đến Bệnh viện Từ Dũ yêu cầu thực hiện mang thai hộ không thuộc diện chỉ định rất nhiều.

Kể từ khi luật về mang thai hộ được thông qua, Bệnh viện Từ Dũ đã tư vấn cho khoảng 100 trường hợp có nhu cầu thực hiện mang thai hộ. Tuy nhiên lượng bệnh nhân phù hợp, đúng chỉ định rất ít, chỉ chiếm khoảng 10%.

{keywords}
Mang nặng đẻ đau là thiên chức thiêng liêng của phụ nữ. Ảnh: Thanh Huyền.

Chẳng hạn cặp vợ chồng đang điều trị thụ tinh ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ. Mới chỉ chuyển phôi thất bại một lần đã nản chí, muốn chuyển qua thực hiện mang thai hộ cho tiện.

Từ đó, bác sĩ Tuyết thêm một lần nữa nhắn nhủ đến các cặp vợ chồng có ý định thực hiện mang thai hộ, cần tìm hiểu xem mình thuộc nhóm đối tượng được chỉ định hay không.

Mang thai hộ là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với mục đích nhân đạo, áp dụng cho các cặp vợ chồng chưa có con chung, người vợ không thể mang thai, sinh nở do các bệnh lý nội khoa (tim mạch) và bệnh lý sản phụ khoa (không có tử cung, phải cắt bỏ tử cung, sảy thai nhiều lần không rõ nguyên nhân, làm thụ tinh ống nghiệm nhiều lần nhưng chuyển phôi thất bại…)

Còn trong các trường hợp hiếm muộn nhưng bởi các nguyên nhân khác như người vợ không có trứng, hoặc tinh trùng của chồng có vấn đề thì đi xin trứng, hoặc tinh trùng chứ không phải hễ thụ tinh ống nghiệm thất bại là đề xuất mang thai hộ.

Tới nay, Bệnh viện Từ Dũ mới chỉ nhận tư vấn, chưa tổ chức đăng ký hồ sơ mang thai hộ vì còn chờ thông tư hướng dẫn.

Tuy nhiên, bệnh viện đang hoàn tất công tác chuẩn bị, ký hợp đồng, mời các chuyên gia tâm lý, luật sư đến làm việc vào một ngày cố định trong tuần. Điều này nhằm giúp hoàn chỉnh hồ sơ cho bệnh nhân một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất.

Thanh Huyền