- “Ngày nào bữa ăn cũng chỉ có một món thịt, đậu hoặc trứng và một món rau, gói gọn trong 50 ngàn. Một tuần chỉ được mua hoa quả một lần. Chồng bảo con đã có sữa bổ sung dinh dưỡng, vợ chồng ăn thế là đủ chất, ăn nhiều béo lại mất công giảm cân”, chị Giang kể.
“Em tiêu cái gì mà lắm thế!”
Đó là lời ca thán mà chị N. Giang (Khu đô thị Linh Đàm) thường xuyên nghe được từ chồng. Nguyên nhân cũng bởi anh là người quản lý mọi chi tiêu trong gia đình, cần mua bất cứ thứ gì, dù nhỏ nhặt, ngoài tiền chợ, là chị phải hỏi anh. Và mỗi lần chị hỏi tiền, anh đều “khuyến mại” lời ca thán này cùng những lời căn vặn tiêu cái gì, bao nhiêu.
“Nói thì bảo vạch áo cho người xem lưng nhưng sống với chồng mà như ở địa ngục ấy. Tính toán với vợ con từng đồng, từng cắc. Đi chợ mua mớ rau, lạng thịt cũng hỏi, mua bỉm, mua sữa cho con cũng phàn nàn. Thu nhập hơn chục triệu mà bữa cơm không bằng công nhân”, chị Giang than thở.
Ảnh minh họa. |
Ngày nào bữa ăn của gia đình chị cũng chỉ có một món thịt, đậu hoặc trứng và một món rau, gói gọn trong 50 ngàn. Một tuần chỉ được mua hoa quả một lần. Anh bảo con đã có sữa bổ sung dinh dưỡng, vợ chồng ăn thế là đủ chất, ăn nhiều béo lại mất công giảm cân.
“Có lần phòng tôi chia tiền thưởng dự án, mỗi người được 1 triệu. Tôi mua cho con bộ đồ chơi gần 200 ngàn và mua hải sản tươi về đổi món cho gia đình. Anh ấy về đến nhà nhìn thấy đồ là mặt đã tối sầm, lớn tiếng hỏi em mua cái gì mà lắm thế. Tôi bảo tôi mua bằng tiền thưởng của tôi, anh vẫn bảo tôi có tiền là tiêu hoang, lại còn bảo tiền thưởng vẫn là tiền chung nên phải đưa số tiền còn lại cho anh giữ. Ức đến phát khóc”, chị Giang rấm rứt kể lại.
Chồng của chị Nguyễn Hằng (Nhân Mỹ, Mỹ Đình) cũng thuộc nhóm “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”. Nhưng anh này không đòi nắm giữ chi tiêu trong gia đình mà thực hiện chính sách “tiền anh anh tiêu, tiền em em tiêu”.
Chị Hằng kể: “Chồng chịu khó, biết chia sẻ việc nhà với vợ, chăm con cũng giỏi nhưng khoản chi tiêu thì kẹt thôi rồi. Lương anh gần chục triệu nhưng chẳng đưa cho vợ đồng nào, gửi vào tài khoản tiết kiệm hết. Tiền điện, tiền nước, tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền đóng học cho con đều một mình tôi gánh tất”.
Thu nhập của chị Hằng khá cao nên đủ gánh chi tiêu, thế nhưng chị bức xúc vì anh không có trách nhiệm đóng góp cho gia đình. Chị đã nhiều lần góp ý, đề nghị anh đóng góp nhưng anh cứ lờ đi, mãi rồi chị cũng chán.
“Cứ động đến tiền là anh điếc hết. Bắt anh đóng góp thì anh bảo cố tiêu trong khoản lương của tôi, lương anh còn tiết kiệm để sau này cho con đi du học, mà giờ con mới học mẫu giáo. Có tháng hết tiền, hỏi tiền của chồng mà chồng mãi không đưa, cứ bảo nay rút, mai rút rồi lờ đi. Tôi lại phải vay bạn hoặc mẹ đẻ để chi tiêu. Chán chả buồn nói”, chị Hằng chia sẻ.
Đến nước đi vệ sinh cũng “tiết kiệm”
Lấy được người chồng cao ráo, đẹp trai, thu nhập khá, ai cũng khen chị K. Vân (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) tốt số. Về sống chung chị Vân mới vỡ mộng bởi cái tính tủn mủn, “sắt vụn” của chồng.
Chị bảo chị đã quen chi tiêu thoải mái từ hồi còn độc thân, thích ăn gì thì ăn, mua gì thì mua. Nhưng từ khi lấy chồng, mua sắm gì chị cũng phải hỏi ý kiến của anh nếu không là về kiểu gì cũng nghe chồng ca thán chị tiêu hoang.
Vợ chồng trẻ tiết kiệm là tốt, chị cũng luôn ý thức phải tiết kiệm để sau này sinh con. Nhưng nhiều khi anh tính toán tủn mủn, chi li quá khiến chị ngán ngẩm.
“Mình đi làm, có thu nhập, cũng phải có bộ nọ bộ kia đi làm cho ra hồn nhưng mỗi lần động đến váy áo là chồng ca cẩm. Thỉnh thoảng đổi gió rủ chồng vào nhà hàng, vừa cầm thực đơn lên là anh đã đòi về, bảo từng này tiền mua đồ về nấu được mấy bữa. Tính toán còn hơn đàn bà”, chị Vân nói.
Chị Vân bảo, nếu chỉ dừng lại ở đó thì chị vẫn chấp nhận được vì dù sao anh cũng chỉ muốn vun vén cho gia đình. Thế nhưng ngay cả những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của gia đình, anh cũng “tiết kiệm”.
Phòng ngủ có điều hòa nhưng nóng đến đâu anh cũng không cho bật vì sợ tốn điện, tối đến hai vợ chồng ngồi xem ti vi là anh tắt hết đèn với lý do đơn giản là điện ở ti vi cũng đủ chiếu sáng. Có lần đứng dậy đi vệ sinh, tối quá chị vấp phải chân bàn bật cả móng chân. Thậm chí chị còn phát hiện anh đi tiểu không giật nước, cứ tưởng anh quên nhưng hỏi ra mới biết anh để dành đi thêm vài lần nữa rồi giật một thể cho đỡ tốn nước. Chị choáng hẳn.
“Tôi cũng đã góp ý với chồng, bảo anh là cả hai vợ chồng sẽ cùng tiết kiệm nhưng cái gì cần thiết vẫn phải chi tiêu, tiết kiệm tủn mủn thế cũng chả được bao mà sống không thoải mái. Thế nhưng anh vẫn chứng nào tật ấy. Mà nào phải kinh tế khó khăn gì đâu, chi tiêu cũng phải tương xứng với thu nhập chứ”, chị Vân nói.
Chồng keo kiệt, bủn xỉn, tính toán với vợ con từng li từng tí không phải là chuyện hiếm. Nhiều người cho rằng đàn ông ki bo do bản tính trời sinh hoặc do tâm lý vùng miền. Hoặc do họ đã từng có thời gian vất vả để kiếm tiền nên bây giờ dù có của ăn của để thì thói quen "tiếc của giời" vẫn khó mà thay đổi được.
Lý giải nguyên nhân của “căn bệnh” này, chuyên gia tâm lý Hoàng Thị Kim Thanh (Khoa Văn hóa học, ĐH Văn hóa Hà Nội) nói: “Để hiểu được vì sao người chồng lại ki bo với vợ con, chắc phải hiểu được những trải nghiệm của anh ta trong quá khứ, hoàn cảnh gia đình và cả những người sống bên anh ta là ai, và cũng không loại trừ đây là một chiến thuật của người chồng bạo lực gia đình đang áp dụng với vợ…”
Còn nữa...
La Hoàn