Liên minh châu Âu quyết định ngừng các biện pháp cấm vận đối với Myanmar trong vòng một năm, trừ cấm vận vũ khí.

 

EU quyết định ngừng các biện pháp cấm vận đối với Myanmar trong vòng một năm. Ảnh minh họa: mariusztravel

Phụ trách chính sách đối ngoại EU Catherine Ashton, người sẽ tới Myanmar trong tuần này cho biết, mục tiêu của khối là ủng hộ những tiến bộ “không thể đảo ngược” ở quốc gia Đông Nam Á. Động thái này chắc chắn khiến chính phủ Myanmar hài lòng và mở đường cho các doanh nghiệp nước ngoài tới đây hoạt động.

 

Quyết định trên sẽ được cân nhắc lại trong tháng 10. Dự kiến, EU sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với hơn 800 công ty hoạt động ở các lĩnh vực gỗ, khai khoáng; cho phép đầu tư vào khoảng 50 công ty gần gũi với chính phủ; chấm dứt các hạn chế nhập cảnh và lệnh cấm đi lại đang ảnh hưởng tới gần 500 người.

 

Động thái của EU diễn ra sau những quyết định tương tự của Mỹ và Australia, diễn ra cùng ngày với việc quốc hội mới bầu của Myanmar triệu tập phiên họp đầu tiên mà không có bất kỳ thành viên nào trong đảng của lãnh đạo phe đối lập Aung San Suu Kyi tham dự. Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đã giành 43 ghế trong quốc hội mới ở cuộc bầu cử ngày 1.4. Nhưng đảng này đã không tham dự kỳ họp quốc hội đầu tiên do tranh cãi về vấn đề tuyên thệ.

 

Trong khi đó, Tổng thống Myanmar nói với báo giới ở Tokyo - nơi ông có chuyến công du nước ngoài đầu tiên ở cương vị mới - rằng, ông để ngỏ khả năng thảo luận để thay đổi việc tuyên thệ. “Có thể xem xét lại nếu điều đó phục vụ lợi ích công chúng”, ông cho biết.

 

Một người phát ngôn của NLD, Nyan Win bày tỏ tin tưởng là tranh cãi sẽ sớm được giải quyết. “Chúng tôi đang hợp tác với chính phủ, nên vấn đề sẽ sớm được khắc phục”, ông nói.

 

Có một số câu hỏi đặt ra về quyết định của EU - diễn ra ngay trong lúc bà Suu Kyi, 66 tuổi, người giành giải Nobel hòa bình nên nhận ghế của bà trong quốc hội mới cùng với 42 thành viên khác của NLD.

 

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Anh David Cameron đã hoan nghênh quyết định của Brussels. Ông khẳng định, Myanmar đã “tiến hành những bước đi quan trọng hướng tới cải cách và họ có quyền mong chờ thế giới đáp lời”.

 

Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước phát triển gần đây đã có những phản ứng tích cực trước những nỗ lực cải cách chính trị, kinh tế, xã hội của Myanmar. Nhật Bản hôm 22/4 cho biết sẽ từng bước xóa khoản nợ 3,7 tỉ USD và nối lại các cam kết viện trợ phát triển để ủng hộ cải cách dân chủ và kinh tế của Myanmar.

 

Mỹ đã bổ nhiệm đại sứ đầu tiên tại Myanmar sau 22 năm và tuyên bố đang từng bước nới lỏng các hạn chế tài chính với quốc gia này. Australia cũng sẽ gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Myanmar cùng hơn 200 người nữa đang bị cấm vận về di chuyển và tài chính.

 

Thái An (theo Guardian)