Công suất điện của Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) hiện chỉ đứng sau công ty mẹ EVN với sự phân bổ đồng đều trong cơ cấu điện khí, điện than và thủy điện. Điện mặt trời sẽ là lĩnh vực tiếp theo được EVNGENCO3 triển khai sắp tới.

Tìm nguồn khí mới giải bài toán đầu vào tại Phú Mỹ

Với tổng công suất 6.540 MW, thị phần công suất EVNGENCO3 đạt 16% trong khi thị phần sản lượng chiếm nhỉnh hơn với 17%.

Tài sản chính của EVNGENCO3 là 9 nhà máy điện bao gồm 4 nhà máy nhiệt điện khí, 3 nhà máy thủy điện và 2 nhà máy nhiệt điện than cùng hai công ty con nhiệt điện và 3 công ty thủy điện do EVNGENCO3 sở hữu 30% vốn.

Trong đó, nhà máy điện khí Phú Mỹ có công suất lớn nhất cũng là “con gà đẻ trứng vàng” của EVNGENCO3. Trung tâm điện lực Phú Mỹ là trung tâm điện lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay với tổng công suất gần 4.000 MW, trong đó EVNGENCO3 có 4 nhà máy với 2.458 MW. Mặc dù thời gian khấu hao bình quân của 4 nhà máy điện Phú Mỹ chỉ còn 3-4 năm nhưng việc liên tục nâng cấp giúp kéo dài thời gian hoạt động các nhà máy thêm 15-20 năm.

{keywords}
 

Tại buổi Roadshow tổ chức mới đây, Tổng Giám đốc Đinh Quốc Lâm cho biết một trong các dự án mà EVNGENCO3 đang triển khai là Trung tâm Điện lực Khí Long Sơn sử dụng khí hóa lỏng LNG nhập khẩu với 3 nhà máy công suất 1.200 MW/nhà máy.

Khí LNG từ TTĐL Long Sơn ngoài việc cấp cho các nhà máy của chính trung tâm này còn có thể đưa tới các nhà máy điện Phú Mỹ với chiều dài đường ống vận chuyển tối đa chỉ 20 km để cấp bù lượng suy giảm từ năm 2023 trở đi. Kéo được nguồn khí trên sẽ tăng đáng kể hiệu quả hoạt động của các nhà máy điện khí ở Trung tâm điện lực Phú Mỹ.

Trong khi Phú Mỹ được đưa vào khai thác từ nhiều năm trước thì EVNGENCO3 cũng đang đồng thời sở hữu 2 nhà máy điện than mới đưa vào hoạt động từ năm 2015 gồm Vĩnh Tân 2 và Mông Dương với công suất lần lượt là 1.244 MW và 1.080 MW. Chi phí khấu hao cao hơn hiệu suất hoạt động khiến các dự án điện mới lỗ trong những năm đầu. Tuy nhiên, ngay từ năm 2017, Mông Dương 1 có lãi 254 tỷ đồng. Nằm tại vị trí tốt và sở hữu công nghệ hiện đại, các nhà máy mới này cũng chính là động lực cho tăng trưởng của EVNGENCO3 trong tương lai.

Trong lĩnh vực điện than, ngoài hai nhà máy mới này, EVNGENCO3 còn sở hữu công ty con CTCP Nhiệt điện Ninh Bình với công suất 100 MW.

Đầu tư dự án điện mặt trời

EVNGENCO3 có cơ cấu công suất khá đồng đều với 46% điện khí, 38% điện than và 15% thủy điện.

Ngoài 3 nhà máy thủy điện Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srepok 3 thực thuộc, EVNGENCO3 còn sở hữu 30% vốn tại 3 doanh nghiệp thủy điện gồm Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH), Thủy điện Thác Bà (TBC) cùng Thủy điện Sesan 3A. Thời tiết thuận lợi giúp thủy điện Buôn Kuốp tăng lợi nhuận gấp 4 lần trong năm qua. Tình hình thời tiết các năm tới dự kiến sẽ “ủng hộ” các nhà máy thủy điện 4 năm nữa theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực thủy điện.

Về định hướng đầu tư vào thủy điện, lãnh đạo EVNGENCO3 cho biết đang khảo sát xây dựng các thủy điện quy mô nhỏ, tiếp tục đầu tư thêm vào các nhà máy đang sở hữu, mang lại cổ tức lớn cho EVNGENCO3 các năm qua.

{keywords}
 

Trong ba Tổng công ty phát điện thuộc EVN, EVNGENCO3 là đơn vị được giao phụ trách chính thị trường miền Nam. Vậy nên, khoảng 80% công suất điện hiện nằm tại khu vực có nhu cầu sử dụng điện rất cao, chiếm hơn 50% tổng công suất điện tiêu thụ cả nước này. Cùng đó, theo phân tích của CTCK Bản Việt (VCSC), 50% công suất của EVNGENCO3 nằm ở vùng trọng điểm thiếu hụt điện.

Ngoài các lĩnh vực điện truyền thống, EVNGENCO3 dự kiến cũng sẽ đơn vị tiên phong thực hiện các dự án năng lượng tái tạo mới dự kiến đặt tại Bình Thuận, Ninh Thuận hay dự án Điện mặt trời trên lòng hồ thủy điện Srepok 3.

Vĩnh Phú