Các đường dây đang vận hành đầy và quá tải

Ngày 3/6 và 4/6, đoàn lãnh đạo của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã đi kiểm tra tình hình vận hành hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Tại Ninh Bình, Truyền tải điện Ninh Bình có nhiệm vụ quản lý vận hành lưới truyền tải trên địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam và một phần của tỉnh Hòa Bình với 780 km đường dây 220-500kV, với tổng cộng 8 trạm biến áp, dung lượng máy biến áp là 5.325MVA. 

 Đoàn công tác kiểm tra vận hành thiết bị tại TBA 500kV Nho Quan

Ông Vũ Văn Lộc - Giám đốc Truyền tải điện Ninh Bình cho biết, để đảm bảo cấp điện miền Bắc trong cao điểm mùa khô 2023 đang căng thẳng như hiện nay, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia đã nâng ngưỡng truyền tải công suất trong ngắn hạn lên tới 2600MVA trên đường dây 500kV Nho Quan - Nghi Sơn 2 - Hà Tĩnh theo chiều Nam - Bắc trong một số giờ cao điểm nhằm ưu tiên mục tiêu giữ nước các hồ thủy điện đa mục tiêu tại miền Bắc.

Đoàn công tác nghe báo cáo công tác vận hành tại Trạm biến áp 500kV Nghi Sơn (Thanh Hóa)

Tại Truyền tải điện Thanh Hóa, ông Lữ Thanh Hải - Giám đốc Truyền tải điện Thanh Hóa cho hay, đơn vị quản lý vận hành hơn 750 km với 5 trạm biến áp với tổng dung lượng máy biến áp là 1.625 MVA. Thời tiết nắng nóng kéo dài và nhiệt độ tăng nhanh, khu vực thị xã Nghi Sơn ghi nhận mức nhiệt độ cao hơn 40 độ C, khiến tình hình vận hành căng thẳng. Trên các đường dây 500kV mạch 1, 2 các ngày gần đây đường dây 500kV mức mang tải hơn 1500A (các năm trước khoảng 1000A). Các đường dây khác đều mang tải cao. 

Giữ vai trò điểm nút quan trọng nhất trong việc truyền tải điện ra phía Bắc, lưới truyền tải tại Truyền tải điện Hà Tĩnh cũng luôn vận hành căng thẳng. Theo ông Nguyễn Sỹ Thắng - Giám đốc Truyền tải điện Hà Tĩnh, bắt đầu từ ngày 19/5, xuất hiện đợt nắng nóng đầu tiên của năm 2023, tải trên các đường dây 500kV khu vực Hà Tĩnh bắt đầu tăng cao, đặc biệt là đường dây 500kV Hà Tĩnh - Vũng Áng tăng lên trên 80% định mức. Chế độ điện áp 500kV tại các nút của trạm biến áp thường xuyên vượt ngưỡng. Các ngăn lộ đường dây 220kV tình trạng vận hành thường xuyên vận hành đầy và quá tải.

Để đảm bảo vận hành truyền tải, các đơn vị vận hành tại các tỉnh đã thường xuyên đi kiểm tra, tăng cường công tác ứng trực, vận hành, để kịp thời xử lý khi có các tình huống bất thường xảy ra trên lưới, hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự cố hoặc phải tách thiết bị ra khỏi vận hành. 

Dành nguồn lực tối đa cho trục 500kV Bắc Nam

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, các Truyền tải điện các tỉnh nêu ra một số khó khăn như: thiết bị dự phòng cho lưới 500kV còn hạn chế do trong nước không sản xuất được phải nhập khẩu; lực lượng lao động ít nên gặp nhiều hạn chế khi sửa chữa bảo dưỡng thiết bị trong thời gian cắt điện rất ngắn để đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, liên tục; công tác vệ sinh kiểm tra bảo dưỡng trên lưới 500kV rất khó khăn vì thiết bị cao trong khi phương tiện xe cẩu có gầu nâng còn rất thiếu; số lượng máy soi phát nhiệt được trang bị còn hạn chế trong khi đó nhu cầu sử dụng là rất lớn đặc biệt khi tải tăng cao thì cả TBA và đường dây đều cần.

Đoàn công tác kiểm tra công tác ứng dụng UAV trong quản lý vận hành tại Truyền tải điện Nghệ An

Ông Phạm Lê Phú - Tổng Giám đốc EVNNPT ghi nhận những nỗ lực của Truyền tải điện Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh trong việc chủ động thực hiện các giải pháp đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, ổn định trong thời gian nắng nóng và vận hành lưới điện đầy tải và căng thẳng vừa qua; đồng thời đề nghị PTC1 và các Truyền tải điện tiếp tục tập trung điều hành và thực hiện các giải pháp đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, liên tục mùa nắng nóng theo chỉ đạo của EVN/EVNNPT. 

Đoàn công tác kiểm tra soi phát nhiệt tại TBA 500kV Vũng Áng

Nhằm giữ vững trục truyền tải 500kV Bắc Nam, đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc, các đơn vị Truyền tải điện các tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra thiết bị, soi phát nhiệt, xây dựng và thực hiện phương án kiểm tra, theo dõi đặc biệt các đường dây tải cao, có nguy cơ sự cố; lập hồ sơ theo dõi, đánh giá các điểm phát nhiệt theo mức độ mang tải và điều kiện thời tiết. 

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp như UAV, Flycam; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị điều độ và đề nghị các đơn vị điều độ kịp thời điều chỉnh phương thức đảm bảo công tác vận hành lưới điện an toàn, liên tục. 

Xuân Tiến