Nhiều nhà đầu tư đã coi việc Eximbank báo lỗ quý IV/2013 là một “cú sốc”, và có lẽ với giới tài chính thì cũng là một sự kiện đáng lưu tâm.

Ngày 30/8/2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định bổ nhiệm ông Trương Văn Phước - Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc (CEO) Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

5 ngày sau đó, Eximbank công bố thông tin ông Trương Văn Phước thôi làm Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Eximbank.

Quay về công chức

{keywords}

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank và ông Trương Văn Phước

 
Sau nhiều năm lèo lái Eximbank trên cương vị Tổng giám đốc, ông Trương Văn Phước - sinh năm 1959, quay trở lại với môi trường công chức, bỏ lại sau lưng hai chữ “doanh nhân”.

Trước khi đến với Eximbank cách đây nhiều năm, TS. Trương Văn Phước từng giữ nhiều chức vụ tại các ngân hàng thương mại cũng như Ngân hàng Nhà nước. Ông từng là Trưởng phòng Kinh doanh ngoại tệ rồi Phó giám đốc Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM, trước khi đảm nhiệm vai trò Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối và Giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

Ông Phước đi, dĩ nhiên Eximbank sẽ phải có nhân sự thay thế trên ghế CEO, và người đó là ông Nguyễn Quốc Hương. Rồi tiếp đó, Eximbank công bố thay đổi nhiều nhân sự cao cấp khác.

Tuy nhiên, giai đoạn hậu Trương Văn Phước, Eximbank lại bắt đầu cho thấy những dấu hiệu đi xuống về kết quả kinh doanh.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2013 của Eximbank cho thấy, lợi nhuận trước thuế đạt gần 400 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 561 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2012.

9 tháng năm 2013, Eximbank lãi hợp nhất sau thuế 879,6 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với mức 1.825 tỷ đồng của 9 tháng năm 2012.

Tính đến 30/9, Eximbank có 946,9 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Tuy nhiên đến đầu tháng 11, Hội đồng Quản trị Eximbank xin ý kiến cổ đông thông qua kế hoạch mua gần 62 triệu cổ phần làm cổ phiếu quỹ (không được cổ đông thông qua).

Kế hoạch chi gần một nghìn tỷ đồng mua cổ phiếu quỹ (gần cuối tháng 1/2014, Eximbank công bố mua hơn 6 triệu cổ phiếu), cho thấy một tín hiệu không mấy bình thường ở ngân hàng này.

Tình hình nhân sự tại Eximbank cũng ghi nhận sự cắt giảm khá lớn. Tính đến 31/12/2013, tổng số cán bộ nhân viên của ngân hàng còn 5.362 người, trong khi cùng kỳ năm trước là 5.800 người.

Cú sốc lợi nhuận

Ngày 23/1/2014, Hội đồng Quản trị Eximbank thông qua một loạt mục tiêu kinh doanh khá lạc quan cho năm nay.

Cụ thể, tổng tài sản cuối năm 2014 phấn đấu đạt 170.000 tỷ đồng, tương đương năm 2013, huy động vốn 2014 tăng 21% lên 100.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 23% lên 109.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở xuống; lợi nhuận trước thuế dự kiến 1.800 tỷ đồng, cổ tức 8,5%.

{keywords}

Mô tả Lợi nhuận trước thuế qua các quý của Eximbank (đơn vị: tỷ đồng).

Tuy nhiên, đến ngày 14/2, Eximbank khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi sốc khi tuyên bố con số lỗ trước thuế hơn 328 tỷ đồng, đánh dấu quý thua lỗ đầu tiên kể từ quý IV/2008 (lỗ gần 106 tỷ đồng).

Dưới thời ông Trương Văn Phước ở Eximbank, nhà băng này có 6 quý lãi trên 800 tỷ đồng, trong đó quý III - IV/2011 và quý I/2012, Eximbank báo lãi vượt 1.000 tỷ đồng (riêng quý IV/2011 báo lãi tới 1.365 tỷ đồng).

Nhiều nhà đầu tư đã coi việc Eximbank báo lỗ quý IV/2013 là một “cú sốc”, và có lẽ với giới tài chính thì cũng là một sự kiện đáng lưu tâm, bởi từ khi niêm yết đến nay, đây là lần đầu tiên ngân hàng được đánh giá vững mạnh như Eximbank lại báo lỗ.

Những nguyên nhân nào đã dẫn tới sự thua lỗ của Eximbank trong quý IV/2013?

Trước hết, nhà băng này lỗ gần 230 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối (gồm cả vàng) và trích lập dự phòng trên 120 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2012 chỉ trích lập hơn 39 tỷ đồng.

{keywords}

Kết quả kinh doanh mảng ngoại hối của Eximbank qua các quý (đơn vị: tỷ đồng).


Ngoài ACB, Eximbank cũng là “tay chơi” vàng có cỡ trong giới ngân hàng. Tuy nhiên việc tất toán trạng trái vàng theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước đã kết thúc vào tháng cuối tháng 6/2013. Và kết quả mảng kinh doanh ngoại hối của Eximbank trong quý II và III/2013 đều có lãi lần lượt là 61,4 và 56,5 tỷ đồng.

Vậy thì có thể có hai khả năng, một là Eximbank đã tất toán trạng thái vàng một cách “hợp lý” dẫn tới mảng kinh doanh ngoại hối có lãi các quý trước, và khả năng thứ hai là hạch toán kết quả vào cuối năm dẫn tới mức lỗ của mảng ngoại hối, mà có thể có sự “đóng góp” không nhỏ từ vàng?

Nhìn lại 20 quý gần đây nhất của Eximbank dưới sự điều hành của ông Trương Văn Phước, Eximbank lỗ ở mảng kinh doanh ngoại hối trong 9 quý.

Tuy nhiên, mức lỗ gần 230 tỷ đồng mảng kinh doanh ngoại hối quý IV/2013 của Eximbank là lớn nhất trong 21 quý kinh doanh gần đây nhất của nhà băng này, một kết quả đáng chú ý sau khi ông Phước rời Eximbank.

Với bất cứ một nhà băng nào, thay đổi nhân sự là điều bình thường, nhưng ở Eximbank, hẳn nhiều cổ đông sẽ còn lưu luyến dáng vẻ gầy gò của vị CEO có đóng góp quan trọng giúp Eximbank có lãi trước thuế gần 12.000 tỷ đồng, chỉ riêng từ quý I/2009 đến quý III/2013.

Theo BizLIVE