Với doanh số tương đương tổng sản phẩm quốc nội của cả một quốc gia, Exxon Mobil nằm trong danh sách 30 nước giàu nhất thế giới nếu được coi là một nhà nước. Tại Mỹ, nhiều người gọi Exxon Mobil là một nhà nước trong nhà nước với chính sách ngoại giao và lực lượng an ninh riêng.
5 nền kinh tế bi đát nhất thế giới
Những gia đình thống trị kinh tế Hồng Kông
Bắc Cực: Chìa khóa tương lai kinh tế Nga?
Khi châu Âu lao vào cuộc đua tranh giành thuộc địa nhiều thế kỷ trước, các công ty thương mại thời đó, nổi bật nhất là công ty Đông Ấn của Anh đã là lực lượng đi tiên phong, mở đường cho công cuộc xâm chiếm thuộc địa của các đế quốc. Các công ty này có một mạng lưới quân đội riêng và có rất nhiều ảnh hưởng tới chính phủ ở "mẫu quốc", họ sử dụng tiền của chính phủ để vừa thực hiện tham vọng của các đế quốc và vừa nhằm phục vụ mục tiêu thu lợi nhuận về cho công ty. Những đế chế như vậy vẫn tồn tại trong xã hội hiện nay dưới dạng các tập đoàn, công ty đa quốc gia, với các hoạt động tinh vi hơn và quy mô hoạt động cũng rộng lớn hơn, tầm ảnh hưởng của các công ty này đã vượt qua biên giới một quốc gia. Exxon Mobil, tập đoàn năng lượng khổng lồ của Mỹ, là một trong số đó.
Tập đoàn số 1 của Mỹ
Năm 2011, nhờ cơn sốt giá dầu trên thị trường thế giới,doanh thu của Exxon Mobil đã đạt hơn 450 tỷ USD, vượt qua hãng bán lẻ Walmart để dẫn đầu danh sách 500 công ty hàng đầu nước Mỹ do tạp chí Fortune bình chọn. Kết quả kinh doanh của Exxon Mobil cực kỳ ấn tượng, giá cổ phiếu tăng 20%, lợi nhuận tăng mạnh đến 35% đạt mức 41,1 tỉ USD và doanh số nhảy vọt 28% lên mức 453 tỉ USD. Sản lượng khai thác khí đốt của Exxon Mobil hiện cũng cao ngang ngửa với sản lượng sản xuất dầu nhờ thương vụ thâu tóm công ty năng lượng XTO Energy trị giá 35 tỉ USD trong năm 2010. Tới nay tập đoàn hùng mạnh này đã bành trướng đế chế của mình tới 200 quốc gia và vùng lãnh thổ và có một chính sách đối ngoại riêng sặc mùi thương mại.
Chính sách đối ngoại này được điều hành bởi có một đội ngũ rất chuyên nghiệp, đa số là những thành viên của Hội đồng an ninh quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ. Chính sách của Exxon Mobil về cơ bản gắn liền với đường lối của chính quyền Mỹ nhưng nếu không phù hợp với lợi ích của mình, tập đoàn này sẵn sàng phớt lờ giới chức chính quyền.
Chính cựu Giám đốc điều hành Raymond của Exxon từng tuyên bố "Chúng tôi không phải là một công ty Mỹ và những quyết định của chúng tôi không hoàn toàn dựa trên những lợi ích cho nước Mỹ". Một bức điện tín bị rò rỉ từ Đại sứ quán Mỹ tại Cộng hòa Tchad cho hay Exxon Mobil đã không thể hiện sự tôn trọng đúng mức đối với giới ngoại giao Mỹ tại Tchad. Có lẽ bởi một điều rất đơn giản là giá trị đầu tư của Exxon vào dự án dầu mỏ Tchad-Cameroun đã vượt qua cả viện trợ thường niên của Mỹ vào quốc gia Trung Phi này, 4,2 tỷ USD so với 3 tỷ USD. Exxon cũng không mấy mặn mà với chiến dịch tấn công quân sự vào Iraq và là một trong số ít các tập đoàn năng lượng không nhiệt thành ủng hộ chính quyền Bush đánh quốc gia Trung Đông nhiều dầu mỏ này. Nguyên nhân có lẽ là do Exxon biết dù ai nắm quyền ở Iraq cũng sẽ phải cần tới công nghệ và vốn của Exxon Mobil.
Giống như nhiều tập đoàn hùng mạnh khác, Exxon Mobil cũng xây dựng lực lượng an ninh riêng để bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình. Tại Cộng hòa Tchad, đế chế này sử dụng 2.500 nhân viên an ninh tuần tra trên các xe được trang bị điện đàm để ngăn chặn các cuộc tấn công hay xâm phạm của lực lượng quân du kích địa phương.
Ngoài ra, Exxon Mobil còn tiến hành các điệp vụ tình báo được đánh giá là còn lớn và chuyên nghiệp hơn cả CIA.Tại khu vực châu thổ sông Niger, Exxon cung cấp tàu thuyền cho quân đội nước này, giúp triển khai các trạm tuần tra trên biển để ngăn chặn cướp biển và "tuyển dụng, trả lương, trang bị và quản lý các đơn vị quân đội, cảnh sát của Niger". Tầm ảnh hưởng và chi phối của Exxon Mobil tại Niger lớn tới mức trên tất cả các bộ sắc phục của cảnh sát nước này đều có logo con ngựa bay của hãng. Tại Aceh, Indonesia, Mobil còn giành phần trả luơng cho các thành viên của lực lượng chống phiến quân ở quốc gia vạn đảo. Các khoản đầu tư này không hề bị dừng lại ngay cả khi quan hệ giữa Mỹ và Indonesia bị trục trặc và Mỹ ngừng tài trợ quân sự cho Indonesia.
Lợi nhuận là trên hết
Tại Washington, Exxon Mobil liên tục tiến hành các chiến dịch vận động hành lang rất rầm rộ nhằm giữ mức thuế đánh vào dầu mỏ và khí đốt ở mức thấp. Ngoài ra, tập đoàn còn có những khoản "đầu tư" rất chiến lược là hỗ trợ các ứng viên Tổng thống, các thành viên của Quốc hội Mỹ trong các đợt tranh cử để các chính trị gia hàng đầu này biết ơn và sẽ bảo vệ quyền lợi của Exxon - một dạng đầu cơ chính trị.
Là nguyên nhân của hiện tượng nóng lên toàn cầu và nhiều vụ tràn dầu lịch sử song trong nhiều năm qua, các hãng dầu mỏ đã tuyên bố rằng sự tác động của con người tới hiện tượng ấm dần lên của Trái đất là không đáng kể và đã đầu tư hàng triệu đô la vào các cơ quan nghiên cứu để cho ra những báo cáo khẳng định nhận định này của họ là đúng. Cũng trong suốt thời gian qua, Exxon Mobil đã tiến hành một cách khéo léo nhiều cuộc vận động nhằm hạn chế sự công kích của dư luận từ góc nhìn kể trên, đồng thời nhấn mạnh rằng kinh tế thế giới luôn cần một lượng lớn dầu mỏ và khí ga. Đáng buồn là điều này đúng.
Giới lãnh đạo của Exxon Mobil không hề quan tâm tới những lo lắng của người dân về hiện tượng biến đổi khí hậu, với họ lợi nhuận thu về từ dầu mỏ mới là quan trọng nhất. Tập đoàn này có những cách truyền thông và định hướng tình cảm dư luận rất "chu đáo".
Chẳng hạn, sau vụ tràn dầu lịch sử do Exxon gây ra tại Maryland khi làm tràn 24.000 gallon dầu vào nguồn cung cấp nước của tiểu bang này và phải trả những khoản bồi thường theo phán quyết của tòa án, tập đoàn đã bí mật thuê giáo sư danh tiếng tại đại học Wisconsin (và có thể còn nhiều người khác) để viết những bài báo biện minh cho hoạt động của mình. Những hoạt động ám muội này gần đây đã được nhà báo kỳ cựu của tờ New York Times, Steve Coll, tác giả của hai cuốn sách đoạt giải Pulitzer"The Bin Ladens" (2008) và "Ghost Wars" (2004), ghi lại chi tiết trong cuốn sách mới nhất của mình mang tên "Private Empire".
A Vũ (Lemonde)