Sáng kiến ​​News Integrity Initiative sẽ khởi động với 14 triệu USD từ Facebook, Quỹ Ford, Mozilla và các tổ chức khác, đặt trụ sở tại học viện báo chí của Đại học New York (CUNY), với nhiệm vụ điều phối các nghiên cứu, dự án và sự kiện.

Jeff Jarvis, người đứng đầu trung tâm Tow-Knight Center for Entrepreneurial Journalism thuộc Đại học New York cho biết: "Chúng tôi muốn thảo luận không chỉ vấn đề tin giả mà còn đạt đến thứ mà tôi hy vọng đó là một cuộc chiến cho chất lượng".

Tin giả đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong chiến dịch tranh cử ở Mỹ, khi những câu chuyện lừa đảo lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội, được cho là đã gây ảnh hưởng đến cử tri.

Sau đó, cộng đồng đã dấy lên nhiều mối lo ngại rằng thông tin lừa gạt và sai lệch có thể ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử ở châu Âu. Nhiều cuộc điều tra cho thấy các đối tượng có thể kiếm doanh thu từ quảng cáo trực tuyến bằng cách dụ người dùng click vào các câu chuyện bịa đặt.

Công cụ tốt hơn

Facebook và Google đã tăng cường nỗ lực nhằm loại bỏ thông tin sai lệch, ông Jarvis cho biết thêm rằng giúp công chúng hiểu được sự khác biệt giữa tin giả và tin tức trên báo chí chính thống là một yếu tố quan trọng trong nỗ lực này.

Nhiệm vụ của sáng kiến ​​là "nâng cao sự hiểu biết về tin tức, tăng lòng tin vào báo chí trên toàn thế giới và cung cấp thông tin tốt hơn cho công chúng", tuyên bố cho biết.

Các nhà tài trợ sáng lập bao gồm Facebook và quỹ từ thiện Craig Newmark của nhà sáng lập Craigslist cùng với Quỹ Ford, Quỹ John S. và James L. Knight, tổ chức Tow Foundation, AppNexus, Mozilla và Betaworks.

Facebook và Google đã thực hiện các biện pháp để cắt giảm doanh thu quảng cáo trên các trang web tin tức quảng bá thông tin sai lệch. Facebook cũng nỗ lực gắn cờ các tin tức có nguy cơ sai lệch và đưa ra một "dự án báo chí" nhằm hỗ trợ hệ sinh thái tin tức.

Mạng xã hội này tham gia dự án như một phần của nỗ lực nhằm "giúp mọi người đưa ra những quyết định sáng suốt hơn khi họ gặp phải những tin tức giả mạo", Campbell Brown, cựu phóng viên NBC và CNN và hiện là người đứng đầu nhóm cộng tác tin tức trên Facebook cho biết.

Các đối tác khác bao gồm Đại học Arizona State, Trung tâm Báo chí Quốc tế, Dự án News Literacy, Dự án Trust và Nhóm quan hệ công chúng Weber Shandwick. Viện Constructive Institute thuộc Đại học Aarhus, Đan Mạch cũng tham gia dự án cùng Trung tâm Báo chí châu Âu ở Hà Lan, Quỹ Fundacion Gabriel Garcia Marquez para el Nuevo Periodismo Iberoamericano, trường Hamburg Media, viện Hans-Bredow-Institut Đức, Trường Kinh tế London, Đại học Khoa học Pháp Po, Hiệp hội các nhà xuất bản ở Châu Á, Tổ chức Walkley Úc, người sáng lập Wikipedia Jimmy Wales và UNESCO.

Động thái này là một trong nhiều nỗ lực để trấn áp tin tức giả mạo.

Trước đó vào tháng 2/2017, một nhóm gồm 37 cơ quan truyền thông Pháp và quốc tế, được hỗ trợ bởi Google, đã tung ra "CrossCheck", một nền tảng kiểm tra dựa trên thực tế nhằm phát hiện thông tin giả mạo có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp.