Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hôm thứ Ba đã cảnh báo người dùng máy tính những thông điệp khẳng định hình ảnh và video về cái chết của Bin Laden thực sự có chứa một loại vi rút có thể ăn cắp thông tin cá nhân.


Cảnh báo được đưa ra khi các công ty an ninh cho biết họ đã phát hiện các mẫu đầu tiên của phần mềm độc hại giả dạng hình ảnh của lãnh đạo Al Qaeda đã chết.

Hãng bảo mật F-Secure cho biết hôm thứ Ba rằng bọn tin tặc gửi qua e-mail một chương trình trojan đánh cắp mật khẩu có tên gọi Banload cho các nạn nhân, Symantec cũng cảnh báo bọn tội phạm đã gửi các thư rác có đường link dẫn đến các bài báo thông tin giả về cái chết của Bin Laden đến người truy cập Internet.

Những kẻ lừa đảo cũng đã sử dụng một kĩ thuật để cố gắng đánh lừa các công cụ tìm kiếm nhằm đưa người sử dụng Internet đến các trang web có các phần mềm độc hại trong các kết quả tìm kiếm của họ.

"Không chắc là bạn sẽ tìm thấy các hình ảnh hoặc video trực tuyến về cái chết của Bin Laden - nhưng việc tìm kiếm này chắc chắn sẽ đưa bạn đến các trang web có chứa phần mềm độc hại", Giám đốc nghiên cứu của F-Secure, Mikko Hyponnen, đã viết trong một bài đăng trên blog.

FBI cảnh báo người sử dụng Internet cẩn thận với các tin nhắn giả mạo trên các trang mạng xã hội và không bao giờ tải phần mềm để xem video. "Hãy đọc e-mail mà bạn nhận được một cách cẩn thận, tin nhắn giả mạo thường mắc lỗi chính tả, ngữ pháp nghèo nàn và không chuẩn tiếng Anh.

Là một sự kiện quốc tế quan trọng, tin về cái chết của bin Laden đã lan tràn mạnh mẽ trên mạng. Nhiều người đã biết về cái chết của thủ lĩnh khủng bố thông qua Twitter hoặc Facebook. Nhưng cũng cần nhấn mạnh rằng phương tiện truyền thông này không thể nào lọc được những thông tin xấu lan truyền một cách nhanh chóng trên toàn thế giới.

Trong hai ngày, kể từ cuộc đột kích vào sáng sớm, câu chuyện về Bin Laden đã tạo ra những bức ảnh giả, các tuyên bố giả, và nhiều trò gian lận khác.

Các chuyên gia an ninh cho rằng các tay tiếp thị mờ ám và cái gọi là nhà cung cấp "chương trình diệt vi rút đểu" cũng đã nhảy vào trào lưu Bin Laden. Các phần mềm diệt vi rút giả mạo dội xuống những nạn nhân với những pop-up thông báo rằng máy tính của họ có vấn đề. Mục đích của chúng là lừa người mua những phần mềm giả này.

Các tay tiếp thị lan truyền tin nhắn trên Facebook nhằm cố gắng thu hút nạn nhân với việc mời gọi gửi tin nhắn cho bạn bè truy cập vào các trang web tiếp thị và rằng họ đã có một video được kiểm duyệt hẳn hoi.

"Osama đã chết, hãy xem video clip độc quyền này đã được kiểm duyệt của CNN" là một sự thu hút điển hình được sử dụng trong việc lừa đảo. Người dùng được khuyến khích chép JavaScript độc hại vào trình duyệt của họ, và sau đó gửi thông điệp tới tất cả các tài khoản trên Facebook là bạn bè và người thân. Chuyên gia bảo mật khuyên đừng bao giờ chép đoạn mã như thế vào trong trình duyệt.

(Theo TTCN/Computer World)