Dệt, pháp lam, kim hoàn, chạm khảm, mỹ nghệ đồng, trúc chỉ, gốm, hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, tranh Đông Hồ và các loại bánh, đặc sản ẩm thực Huế...sẽ có mặt trong Festival Nghề truyền thống Huế năm 2017.
Festival Nghề truyền thống Huế năm 2017 có nhiều hoạt động ý nghĩa |
Sáng 5/4 tại Hà Nội, UBND TP.Huế tổ chức họp báo để thông tin về chương trình Festival Nghề truyền thống Huế năm 2017.
Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch UBND TP.Huế, Phó Trưởng Ban tổ chức Festival cho biết, với chủ đề đã được "đóng đinh" là "Tinh hoa Nghề Việt", Festival Nghề truyền thống Huế năm 2017 diễn ra từ 28/4 - 2/5 tiếp tục mang tới cho du khách nhiều sản phẩm nghề truyền thống nổi tiếng bao đời của vùng đất Cố đô và của nhiều làng nghề trong nước như: thêu, dệt, pháp lam, kim hoàn, chạm khảm, mỹ nghệ đồng, trúc chỉ, gốm, hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, tranh Đông Hồ...và các loại bánh, đặc sản ẩm thực Huế.
Theo ông Nguyễn Đăng Thạnh, đây là sự kiện văn hóa và kinh tế lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định và nâng cao vị thế của Cố đô Huế - Thành phố Festival của Việt Nam - Thành phố Văn hóa ASEAN, tôn vinh những giá trị tinh hoa của di sản, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh các ngành nghề truyền thống, đồng thời tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, gắn các sản phẩm nghề truyền thống với du lịch, với thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Festival nghề truyền thống Huế 2017 sẽ bao gồm các nội dung chính như sau: Lễ khai mạc gắn với chương trình nghệ thuật đặc sắc diễn ra vào lúc 20h ngày 28/4/2017 tại sân khấu Quảng trường Quốc học; Chương trình thời trang Hội tụ bản sắc châu Á diễn ra lúc 20h ngày 29/4/2017 tại sân khấu Quảng trường Quốc học với các bộ sưu tập độc đáo trên chất liệu dệt may truyền thống của 19 NTK Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Tây Ban Nha.
Đây là sự kiện rất có ý nghĩa để bảo tồn phát huy giá trị di và hy vọng sự kiện này tiếp tục được duy trì và phát huy trong những năm tiếp theo. |
Lễ hội áo dài với chủ đề Hội hoạ Huế và áo dài diễn ra lúc 20h ngày 30/4 tại Cầu Trường Tiền; Lễ Tế Tổ bách nghệ và lễ rước, vinh danh nghệ nhân làng nghề là nghi lễ tri ân và tôn vinh các giá trị nghề thủ công truyền thống Việt Nam, tôn vinh và ghi nhớ công lao của tiền nhân, vinh danh các làng nghề, các thế hệ nghệ nhân; Hoạt động trưng bày, triển lãm các tác phẩm nghệ thuật, các hiện vật cung đình, các bộ sưu tập độc đáo của các nhà sưu tập nổi tiếng trong suốt thời gian diễn ra Festival... cùng các hoạt động văn hóa cộng đồng và hoạt động hưởng ứng phong phú đa dạng; Lễ hội ẩm thực: giới thiệu các món ngon, đặc sắc của Huế và mọi miền đất nước dưới sự chế biến của các nghệ nhân ẩm thực tài hoa, khéo léo.
Chương trình bế mạc kết hợp với lễ công bố các giải thưởng và chương trình nghệ thuật đặc sắc trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Thái Thiên, Phó Cục trưởng Cục báo chí cho rằng mặc dù Festival Nghề truyền thống Huế mang tính chất quốc gia nhưng nó đã có quy mô quốc tế từ ngay lần đầu tổ chức. Đây là sự kiện rất có ý nghĩa để bảo tồn phát huy giá trị di và hy vọng sự kiện này tiếp tục được duy trì và phát huy trong những năm tiếp theo.
T.Lê