Dù thu hút được nhiều chú ý tại triển lãm MWC năm nay nhưng cả Firefox lẫn Tizen OS đều chưa mang nhiều ý nghĩa đối với Android. Hay ít nhất thì cũng chưa.
MWC 2013 là dịp chính thức đầu tiên mà giới phân tích, truyền thông được tiếp cận, trải nghiệm thử hai hệ điều hành tân binh: Firefox của Mozilla và Tizen của liên minh Samsung - Intel.
Tuy Android đang thống trị thị trường smartphone tại thời điểm này, nhưng tuổi đời của nó cũng mới chỉ có 5 năm. Còn nhớ, rất nhiều bài báo năm 2007, 2008 đã nghi ngờ liệu có còn chỗ cho một nền tảng di động mới hay không, khi mà iOS đang độc tôn đến vậy, RIM là một đế chế, WebOS của Palm đang trong giai đoạn phát triển còn Windows Mobile thì sắp bị khai tử.
Ấy vậy mà cục diện đã nhanh chóng thay đổi. Câu hỏi đặt ra là liệu kịch bản có thể lặp lại hay không? Liệu Firefox hay Tizen có thể tác động đến Android cũng như địa hạt smartphone hay không?
Tranh giành miếng bánh
Một số chuyên gia tin rằng, cả hai tân binh đều sẽ tìm thấy thành công ở các thị trường đang phát triển, và thậm chí nếu may mắn, chúng còn có thể lấn át cả hệ điều hành Windows Phone 8 của gã khổng lồ Microsoft. Tuy nhiên, mỗi hãng có một định nghĩa khác nhau dành cho "thành công". Với việc thị trường smartphone đang tăng trưởng mạnh như hiện nay thì ngay cả một miếng bánh nhỏ cũng đã rất hấp dẫn rồi.
Tuy nhiên, họ cũng không dám chắc về việc Mozilla sẽ kiếm tiền từ Firefox OS như thế nào, khi mà không có doanh thu từ tìm quảng cáo di động hay tìm kiếm để bù vào. Dù vậy, hiện đã có ít nhất 18 hãng điện thoại và nhà mạng cam kết hỗ trợ nền tảng này. Cũng đã có 4 mẫu điện thoại Firefox đầu tiên ra mắt là Alcatel One Touch Fire, ZTE Open, Geeksphone Keon và Geeksphone Peak. Chắc chắn thời gian tới sẽ có thêm nhiều thiết bị nữa nối đuôi. Tại thời điểm này, chưa một sản phẩm nào mạnh được bằng smartphone Android nhưng điều đó có thể không quá quan trọng đối với người dùng bình thường.
LG cũng gây nhiều bất ngờ khi đưa thêm tên mình vào danh sách các đối tác của Mozilla hồi đầu tuần. LG thậm chí còn mang đến cho WebOS một cơ hội sống thứ hai khi mua lại nền tảng đang hấp hối này. Kế hoạch của LG là trang bị webOS cho các dòng Google TV tương lai. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có cảm giác rằng miếng bánh của LG ngon được hay không hoàn toàn là do Google quyết định, và Firefox OS có thể chỉ được hãng bày bán ở những thị trường thứ cấp mà thôi. Màn trình diễn của LG tại MWC 2013 cho thấy, hãng đang rất có đà với Android nên không có cớ gì mà LG lại phải mạo hiểm tất tay với Firefox cả.
Samsung đặt cược
Về phần mình, Samsung đang chứng tỏ mình là hãng công nghệ đa năng nhất hiện nay khi nhúng tay vào gần như mọi lĩnh vực. Ra mắt Samsung Galaxy Note 8 tại Barcelona nhưng vẫn để dành bom tấn Galaxy S4 cho một sự kiện độc quyền vào ngày 14/3 tới. Samsung cũng là hãng đầu tiên sẽ bán smartphone Tizen vào tháng 7 tới.
Những hình ảnh đầu tiên về Tizen cho thấy nhiều điểm rất giống với Android, và "thủ phạm" có lẽ chính là Samsung. Sẽ không có gì bất ngờ nếu các model tương lai của họ máy Galaxy ít bị ảnh hưởng bởi Android mà mang nhiều nét riêng của Samsung hơn. Nếu như Samsung tìm thấy thành công ở Tizen, hãng có thể sẽ hy sinh một số người dùng Android trung thành.
Thế nhưng vẫn còn quá sớm để dự đoán liệu Tizen có thể đe dọa Android hay không. Việc hệ điều hành này có chen chân được vào Mỹ hay không sẽ là mấu chốt của mọi sự. Hiện chỉ mới có Sprint tỏ ra quan tâm tới nền tảng này, ngoài ra, danh sách các hãng ủng hộ Tizen cũng chưa nhiều. Rất khó hình dung ra việc những hãng như HTC, LG, Sony lại sẵn lòng sử dụng một nền tảng do đối thủ chính của mình tạo ra.
Kịch bản nào tiếp theo?
Trong thời gian tới, chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều hãng phần cứng thâu tóm các công ty phần mềm. Chúng ta đã thấy HTC, Samsung, Amazon, Google và nhiều hãng khác mua lại dịch vụ, ứng dụng ăn khác. Rõ ràng, không một ai cảm thấy mình đã an toàn và chắc chân trong cuộc chiến.
Về ngắn hạn, cả Firefox lẫn Tizen đều sẽ tạo được ít nhiều dấu ấn, nhưng đừng kỳ vọng chúng sẽ sớm qua mặt được BlackBerry 10 hay Windows Phone 8. Và thậm chí đừng nghĩ tới việc chúng có thể đe dọa iOS hay Android. Nhưng sự tăng trưởng của smartphone tại các thị trường mới nổi vẫn mở ra nhiều cơ hội cho các lính mới. Suy cho cùng, Android cũng đã vượt qua được mọi sự kỳ vọng ban đầu đấy thôi.
Điều mà người dùng có thể hài lòng, là cả hai nền tảng mới đều là nguồn mở và tạo điều kiện cho các hãng sáng tạo thoải mái. Ai lại chẳng mong sở hữu một con dế đầy đủ tính năng hấp dẫn mà giá lại mềm mại cơ chứ?
Trọng Cầm (Theo CNET)