- Có phải Formosa đang giấu diếm sự thật về các hóa chất được sử dụng trong quá trình tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại các đường ống và thiết bị?
Trả lời VietNamNet chiều 25/4, Giám đốc trung tâm an toàn vệ sinh môi trường của Formosa Hoàng Dật Thuyên khẳng định, trong 296 tấn hóa chất mà công ty nhập về, chỉ có 2 loại được để tẩy rửa đường ống là axit HCL và xút NAOH. Số còn lại chủ yếu sử dụng cho nước làm nguội.
Trong buổi họp báo chiều 26/4, Giám đốc công ty FHS Hà Tĩnh Khâu Nhân Kiệt cũng khẳng định, chỉ có một số ít đường ống trong nhà máy phải dùng axit để tẩy rửa.
Bảng hóa chất tẩy rửa |
Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực xử lý hóa chất cho các nhà máy công nghiệp, danh sách hóa chất Formosa nhập về từ đầu năm 2016 do Hải quan Hà Tĩnh cung cấp cho thấy, có ít nhất 2 loại hóa chất chuyên dùng để tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại các đường ống, thiết bị trong nhà máy là CY-VPreclean 200 và CY-VPreclean 400.
Tên gọi "Preclean" (pre - trước, clean - làm sạch) đã cho thấy đây là các loại hóa chất được sử dụng trong quá trình tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại nhà máy trước khi đưa vào vận hành.
Tài liệu do Hải quan cung cấp cũng nói rõ, đây chính là các chất loại bỏ gỉ (CY-VPreclean 400) và loại bỏ dầu (CY-VPreclean 200) được dùng cho các hệ thống nước làm mát - hệ thống rất lớn và quan trọng trong các nhà máy thép.
Theo chuyên gia, các nhà máy công nghiệp trước khi đưa vào vận hành sẽ thực hiện bước tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại. Quá trình này cần được thực hiện bằng các hóa chất chuyên dụng và có các công ty chuyên nghiệp thực hiện chứ không phải quá trình súc rửa thông thường.
Quá trình này thường gồm 3 giai đoạn. Đầu tiên, người ta dùng nước để rửa bề mặt các đường ống và thiết bị. Tiếp đó, các hóa chất chuyên dụng được sử dụng để tẩy rửa được đưa vào. Các hóa chất này cũng như sản phẩm của quá trình tẩy rửa cũng sẽ được đẩy ra ngoài bằng nước. Ở giai đoạn cuối, người ta mới dùng các hóa chất để thụ động hóa bề mặt kim loại của các thiết bị.
Các hóa chất được sử dụng để tẩy rửa đường ống, thụ động hóa kim loại trước khi vận hành thường gồm các thành phần như kẽm, phosphate (tẩy rửa), molybdate (thụ động hóa bề mặt). Các thành phần như axit HCL và xút NaOH (hóa chất thông thường) chỉ được dùng để điều chỉnh độ pH trong quá trình này.
"Trong tẩy rửa công nghiệp, người ta thường không sử dụng axit HCL và xút NaOH để tẩy rửa. Bởi quá trình tẩy rửa công nghiệp thường diễn ra trong thời gian lâu và một khi axit còn đọng lại trong hệ thống sẽ làm hỏng máy móc. Do đó, việc Formosa nói rằng, chỉ dùng axit để tẩy rửa là không đúng", chuyên gia cho hay.
Nhà máy Formosa |
Chuyên gia cũng ước tính, quy mô nhà máy như Formosa có thể cần tới 70-100 tấn loại hóa chất chuyên dụng này.
Vị chuyên gia này cũng khẳng định, chỉ cần Formosa cung cấp hồ sơ MSDS (Material Safety Data Sheets - Dữ liệu an toàn vật liệu) của 2 loại hóa chất dùng để tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại này, từ đó đối chiếu với các độc chất trong cá chết cũng như nguồn nước là có thể khẳng định Formosa có liên quan tới hiện tượng cá chết hàng loạt hay không.
Bên cạnh đó, nước thải từ quá trình tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại này rất độc hại do chứa các kim loại nặng, do vậy cần phải được xử lý theo quy trình riêng. Tuy nhiên, chi phí cho quá trình xử lý này rất đắt đỏ. Với quy mô nhà máy của Formosa, chi phí có thể lên tới 2 triệu USD. Đây là lý do khiến các nhà máy thường bỏ qua khâu xử lý và tìm cách đẩy loại nước thải từ quá trình này thẳng ra môi trường.
Theo dự kiến, vào cuối tháng 6/2016, nhà máy thép của Formosa sẽ chính thức khánh thành và vận hành. Do vậy, đây chính là thời điểm mà Formosa phải tẩy rửa và thụ động hóa bề mặt kim loại các đường ống, thiết bị trong nhà máy.
Cũng theo thông tin Formosa cung cấp cho báo chí, lần tẩy rửa gần đây nhất là vào tháng 3/2016. Trong khi đó, hiện tượng cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung bắt đầu từ đầu tháng 4.
Các cơ quan chức năng đã loại trừ nguyên nhân cá chết do động đất, tràn dầu và bệnh dịch. Nguyên nhân chính được xác định có thể là do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc các yếu tố khác. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa tìm ra được loại độc tố khiến cá chết cụ thể là gì.
Văn Hiệp