- Người đàn ông khuyết tật chậm rãi điều khiển chiếc lăn ra thoát khỏi hẻm. Chiếc xe len lỏi qua những chỗ đông người để rời phố Tây. Một ngày mới của người khuyết tật mưu sinh bắt đầu...

Mái ấm một đời người

Ở con hẽm 107 Bùi Viện (P. Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM) không ai không biết ông Nguyễn Công Tuấn (46 tuổi). Ông sống và lớn lên từ đây. Tuổi thơ và cuộc đời của ông khá nhiều bất hạnh.

Theo bà con trong hẻm cho biết, ông Tuấn bị bại liệt từ nhỏ. Hai chân ông khẳng khiu và luôn di chuyển bằng một chiếc nạng. Ở chung với bà ngoại trong căn nhà trong hẻm, ông đi học rồi lớn lên mưu sinh bằng nhiều cách. 

{keywords}
 
 Ông Nguyễn Công Tuấn trong căn phòng chật hẹp. Trên cao là tấm bằng khen của bé Trí - con đầu của ông.
 

Ngoại ông tuổi cũng đã cao, sức khỏe không tốt nên đã bán căn nhà đang ở để về quê. Ông Tuấn vẫn ở lại thành phố và được bà cho "căn phòng" nhỏ dài 2m rộng 1m tách biệt với căn nhà, vốn trước đây được dùng làm nơi chứa các vật dụng hư hỏng, để làm nơi tá túc.

Ông Tuấn vẫn tiếp tục bươn chải trên đường đời. Hàng ngày, với chiếc nạng trong tay, ông rong ruổi khắp các nẻo đường trong thành phố bán từng tờ vé số để kiếm sống qua ngày. Ước mong của ông, mong kiếm được một mái ấm để vui sống những ngày còn lại.

Những người bạn cùng cảnh ngộ hiểu và cảm thông đã làm mai cho ông với một người phụ nữ. Chị có nghề làm móng dạo. Cũng như ông Tuấn, hàng ngày chị cũng phải lê la khắp các con đường nơi có nhiều chị em phụ nữ để kiếm miếng ăn.

Cả hai ăn ở với nhau. Căn phòng chật hẹp bất tiện cho mọi sinh hoạt được khóa lại. Ông cùng vợ thuê một phòng trọ ở quận 8 để cùng nhau sinh sống. Mỗi ngày, cả 2 ra đi lúc trời sáng. Hẹn gặp nhau ở một điểm nào đó để cùng ăn trưa. Chiều về, trên tay khi con cá lúc miếng thịt, chị chui vào bếp để chuẩn bị bữa cơm tối. 

Chồng về, cơm dọn ra. Đây là lúc đẹp nhất trong ngày. Mọi vui buồn cả hai gặp phải trong ngày đều kể cho nhau nghe. Họ trao cho nhau những đồng tiền kiếm được, những trắc trở gian nan, những niềm vui trên đường...

 

{keywords}
 
Ông Tuấn và 3 con
 

Cuộc sống đơn sơ, giản dị mà hạnh phúc kéo dài được vài năm. Năm 2007, đứa con đầu lòng, niềm mong đợi của 2 người, ra đời. Thằng bé có khuôn mặt sáng láng kháu khỉnh. Tiếp đó, năm sau một bé gái rồi một bé gái nữa vào năm kế tiếp.

3 năm 3 đứa con lần lượt xuất hiện không còn là niềm vui mà trở thành gánh nặng. Ông Tuấn phải vất vả hơn, lặn lội nhiều hơn, đi sớm về khuya hơn. Những đồng lời từ những tờ vé số không đủ để nuôi sống cả 5 miệng ăn.

Rồi ông ngã bệnh. Lúc này bé út mới được 5 tháng. Ông nhập viện. Đôi chân ông bị cắt bỏ vì hoại tử, biến chứng từ căn bệnh tiểu đường. Cũng nhờ có BHYT nên viện phí không còn là gánh nặng. Thế nhưng cuộc mưu sinh hàng ngày phải dừng lại. Trước mắt ông, một gia đình nheo nhóc. . .

Một buổi chiều, đang nằm trên giường bệnh ông bất ngờ thấy cả 4 mẹ con vào thăm. Bé út được đưa tận tay cho ông bế. Những đứa khác bu quanh hỏi ông những câu vu vơ vì chúng còn quá nhỏ.

Rồi chị nói với ông, tôi ra ngoài mua cho ông hộp sữa. Chị đi không trở lại. Mất cả đôi chân lại phải lo cho những đứa con còn quá nhỏ khiến ông hụt hẫng. Ông rất buồn. Người đàn bà - vợ ông - đã trao lại cho ông gánh nặng để ra đi. Như thế, chính bà đã phủi bỏ tất cả tình nghĩa phu thê, tình mẫu tử thiêng liêng để tìm chút an nhàn cho bản thân . . .

Chỉ sợ điều không may xảy ra

Chúng tôi đến thăm ông vào một buổi chiều thứ 7 tại căn phòng rộng 2m vuông trong con hẻm trên đường Bùi Viện...

"Anh thấy đó, 2 mét vuông làm sao một người như tôi ở được ? Thế mà vẫn phải ở anh ạ. Ở đây ngay trung tâm thành phố tôi còn buôn bán được. 3 đứa nhỏ đã lớn rồi tôi gởi cho một người quen ở Bình Chánh".

 

{keywords}
 
Bé Thắm chơi bên cạnh xe lăn. Trong phòng bé Tâm vẽ cho cha xem
 

Rồi ông kể cho tôi nghe cái khó khăn khi vợ ông bỏ đi. Một người lành lặn còn khó khăn huống chi ông đã thành người khuyết tật. Nhưng lúc này là lúc cần phải tỉnh táo nếu không cả 3 đứa con thơ sẽ là những đứa trẻ vất vưởng...

Ngay trong đêm hôm đó - ông kể - tôi gọi điện nhờ nhiều người quen. Một chị trong xóm biết gia đình tôi đã lâu thương hoàn cảnh khốn khó của 4 cha con đã mang cả 3 đứa về nuôi. Chúng nó ở với chị này cho đến nay. Hàng ngày chị chở hai đứa lớn theo học lớp học tình thương của nhà dòng ở quận 4. Đứa út nay đã 5 tuổi ở nhà với chị. Tôi phụ với chị 100.000đ/ngày để lo cho các cháu. Ngoài ra còn tiền học, quần áo, sách vở cho chúng nữa.

Phần tôi, chỉ hôm nào không xin được cơm từ thiện tôi mới mua cơm ăn. Ngày ngày tôi điều khiển xe lăn đi bán khắp thành phố. Nơi nào xe lăn vào được là nơi đó có tôi. Phải bán được ít nhất là 200 vé tôi mới có được 200.000đ để chi phí cho cả 4 cha con. Hai tuần nay tôi phải nghỉ vì tai biến. Huyết áp lên cao đột ngột làm một cánh tay tôi bị xụi. Tôi đã phải tập để còn điều khiển được xe lăn mà đi kiếm cơm. Những lúc như thế này lấy tiền đâu ra để chi phí cho cả gia đình đây. Tôi buồn lắm.

Nói đến đây, ông chợt quay mặt vào vách. Với lấy chiếc khăn lau mặt. Ông quay ra hai mắt đỏ hoe. Dường như ông đã khóc.

 

{keywords}
 
"Trường con nè ba". Bé Tâm khoe hình vẽ trường mình cho ba xem
 

Ông im lặng. Căn phòng quá nhỏ vậy mà ông vẫn ở. Mọi tiện nghi đều thiếu thốn, rất vất vả cho người khuyết tật nhưng không là gì với ông. Bản thân ông trong lúc này không quan trong mà chỉ ngay ngáy ngày đêm lo cho 3 đứa con nhỏ. Ông vẫn ngồi. Trên tường tấm bằng khen kèm ảnh của đứa con lớn được ông treo cẩn thận. Niềm vui của ông đó...

Câu chuyện giữa chúng tôi và ông bị đứt quảng. Chiều thứ 7, 3 đứa con ông từ ngoài ập vào, trở về thăm ông. Cả 3 đúa đến sát bên ông. Bé Út ôm ông nũng nịu : "Hắm hương ba dắm" (Thắm thương ba lắm)...

Gương mặt ông tươi tỉnh hẳn lên. Ông rất vui. Bé Tâm lấy tập vở ra khoe với ông. Bé Trí lăn xăng bên ông. Có lẽ đây là giây phút hạnh phúc của đời ông...

Ông nói: "Sau khi giao con tại bệnh viện, một tháng sau mẹ nó tìm đến bắt lấy bé Thắm lúc ấy chỉ mới 6 tháng. Nhưng không lâu bé Thắm được mẹ trả lại bởi người chồng sau của vợ tôi không chấp nhận. Vậy là từ đó mẹ chúng biền biệt đến hôm nay...

4 năm trôi qua mọi việc cũng đã ổn. Bé Trí học lớp 3 và bé Tâm lớp 2 tại trường tình thương Vinh Sơn (Q.4). Bé Thắm thì còn nhỏ nên vẫn ở nhà. Tôi chỉ mong sao sớm bớt bịnh để còn đi bán nuôi con...

"Các con có nhớ má không ?" Chúng tôi hỏi cả 3. Các cháu đều lắc đầu cho biết: "má bỏ tụi con mà, má đâu có nhớ con". "Vậy các con thương hay ghét má ?". Cả 3 đều im lặng và cúi đầu. Cái im lặng của tình mẹ con...

Chúng tôi cũng đã tìm đến nơi 2 bé theo học. Vị nữ tu tiếp chúng tôi xác nhận 2 cháu đã theo học tại đây nhiều năm. Tuy khó khăn nhưng cả 2 đều ngoan và học giỏi...

Trước mắt là thế. Tình cảnh của ông Tuấn cũng tạm ổn. Giờ ông chỉ cố gắng đi bán để kiếm tiền nuôi con. Thế nhưng khó nói trước một điều gì khi căn bệnh tiểu đường và cao huyết áp vẫn cứ đe dọa tính mạng ông.

Ngộ nhỡ một điều không may xảy ra, 3 đứa trẻ kia sẽ ra sao ?

Trần Chánh Nghĩa